Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Du khách còn xài tiền quá ít

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu tính mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam bỏ thêm 100 USD cho mua sắm, mỗi năm chúng ta sẽ thu về hơn nửa tỉ USD xuất khẩu tại chỗ.

Thế nhưng, “mỏ vàng” này hiện chưa được khai thác tốt bởi cách làm thiếu chuyên nghiệp, hàng hóa đơn điệu, chất lượng kém…
Du khách quốc tế mua sắm tại chợ Bến Thành (TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

Nhiều du khách nước ngoài khẳng định trước khi đến VN du lịch đã chuẩn bị hàng trăm USD dành cho mua sắm, thế nhưng kết thúc chuyến đi số tiền này vẫn chưa được xài hết…
Có tiền không xài được
Sáng 10-8, tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), bà Lynn – du khách Úc – đã đến khá sớm để chọn mua quà lưu niệm cho bạn bè sau gần hai tuần đi du lịch khắp VN. Loay hoay hết cửa hàng này đến cửa hàng khác trong khu hàng thủ công mỹ nghệ, bà vẫn chưa tìm được món quà ưng ý. Cầm lên xem rồi lại bỏ xuống gần chục bức tượng gốm sứ thể hiện trang phục các dân tộc VN, cuối cùng bà Lynn chỉ chọn được ba bức. “Tôi đi các tỉnh phía Bắc, sau đó qua Hội An rồi vào TP.HCM kết thúc hành trình.
Cứ nghĩ TP.HCM sẽ có nhiều quà tặng đặc sắc nhưng sản phẩm đều giống những nơi tôi đã đi qua, chưa kể giá cao hơn các nơi kia rất nhiều” – bà Lynn cho hay.Theo bà Lynn, trước khi đến VN bà đã chuẩn bị vài trăm USD mua sắm quà tặng tại TP.HCM chuẩn bị sinh nhật và tặng mừng nhà mới cho mấy người bạn, thế nhưng sau hơn hai giờ đảo quanh chợ bà chỉ mua được mấy bức tượng nhỏ, vài phin pha cà phê, cà phê bột cùng vài móc chìa khóa. “Tôi vẫn có thói quen mua áo thun biểu tượng của mỗi quốc gia khi đặt chân đến nhưng chất liệu vải các loại áo tại VN rất thô, có cái lại mỏng, cảm giác mặc vài lần phải bỏ.
Tôi từng nghe hương liệu, gia vị, thực phẩm rất đặc sắc nhưng không dám mua vì không được đóng gói, bảo quản cẩn thận” – bà Lynn chia sẻ.Chiều 10-8, ôtô chở hai vợ chồng John Chrys Urban – người Philippines – đỗ xịch trước sân Công ty sơn mài Phương Nam (Q.5).
 Cả hai sau một vòng tham quan các giai đoạn làm tranh sơn mài và vật dụng mỹ nghệ tại đây đều tỏ ra thích thú, ấn tượng. “Ở Philippines cũng có bán những sản phẩm này nhưng thật sự chúng tôi không biết được chế tác ra sao, và hình như họ mang từ đâu đó sang bán chứ không làm tại Philippines” – ông Urban nói, trong khi vợ ông mân mê, ngắm các loại đĩa sơn mài có giá 790.000-990.000 đồng/sản phẩm. 45 phút lang thang trong cửa hàng, cuối cùng vợ chồng ông mua 10 miếng lót ly làm bằng sơn mài giá 40 USD. “Giá không rẻ như tôi nghĩ, hai ngày ở TP.HCM chúng tôi thật sự không có nhiều lựa chọn để mua quà tặng hay quà cho riêng mình mặc dù cố tìm cái gì riêng là lạ kỷ niệm chuyến đi đầu tiên đến VN” – ông Urban kết luận.
Theo chân hai vợ chồng Urban, chúng tôi cảm nhận được sự ngao ngán của họ khi bị người bán đồ lưu niệm (áo thun, nón, tem, đồng xu…) bu vào chào mời. Cả hai cùng len lỏi giữa rừng hàng hóa treo đầy bên trên, chất tràn ra cả lối đi bên dưới và nóng hầm hập của trưa nắng hè ở chợ Bình Tây (Q.6) nhưng lại rất hứng thú với các loại ngũ vị hương bày bán ở đây. Hai người đã mua mỗi thứ một ít nấm đông cô, nấm mèo, măng khô, ớt khô… với số tiền tổng cộng 220.000 đồng “mang về để có chút kỷ niệm”.
Bối rối khi gặp du khách
Chợ Bình Tây, điểm đến hầu như không thể bỏ qua trong tour du lịch giới thiệu khu phố người Hoa (China town) tại TP.HCM của các công ty du lịch cũng như khách du lịch balô. Tuy nhiên, hầu như du khách đến đây chỉ đảo qua một vòng rồi lặng lẽ rời đi. Anh Vương, hướng dẫn viên tự do, cho biết trước khi đến du khách rất háo hức bởi địa danh khá nổi tiếng, nhưng khi vừa bước vào chợ khách lập tức bị khựng lại bởi không khí ngột ngạt, nóng bức.
Lối đi nhỏ hẹp khiến khách du lịch phải chen lấn mới lách qua được trong khi không gian chợ rối rắm, thiếu bảng chỉ dẫn, giới thiệu dành cho du khách.Đứng chờ xe công ty du lịch quay lại đón, ông Tim – một khách du lịch đến từ Mỹ – cho biết đến bất cứ quốc gia nào ông thường tìm đến chợ bởi nơi đây thể hiện đầy đủ nét văn hóa, lối sống của người bản địa. “Tôi cảm thấy không an toàn, thoải mái khi đến chợ Bình Tây. Quá nóng bức và nhếch nhác! Tôi thậm chí không dám bước vào nhà vệ sinh dù đang rất… kẹt!” – ông Tim bộc bạch. Dù đa dạng mặt hàng, giá rẻ nhưng hầu như du khách không mua sắm được gì tại chợ cũng do tiểu thương… ngại tiếp xúc vì không rành ngoại ngữ.
Bà Hương, chủ sạp bán quần áo, vải vóc tại chợ, thẳng thắn bộc lộ: “Nhiều khách Tây hỏi mua vải nhưng tôi chỉ biết… cười xã giao vì không thể giao tiếp. Nhìn thấy họ là tôi đã thấy bồn chồn rồi chứ đừng nói đến việc chào mời họ mua sản phẩm của mình”.Nhiều năm làm hướng dẫn viên, anh Đặng Xuân Vinh chia sẻ khách thường thất vọng khi đến mua sắm ở VN. Nếu đón đoàn khách từ phía Bắc vào anh sẽ không giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ vì ở ngoài Bắc cũng bán y chang thế, thậm chí giá còn rẻ hơn nhiều.
Các hướng dẫn viên cho biết với những khách tại các khách sạn 5 sao, nhu cầu mua sắm của họ ở mức 300-400 USD/ngày, nhưng thật sự họ không có nhiều lựa chọn trong thời gian ở tại TP.HCM. Khu phố Đồng Khởi được xem là “thiên đường” mua sắm cho du khách cũng không có nhiều lựa chọn cho người muốn tìm cái gì đó đặc trưng của VN. Chưa kể nếu khách đi theo đoàn thường bị các nhóm bán hàng rong bủa vây với nhiều mặt hàng chất lượng kém, giá cao.

Ông Lã Quốc Khánh (phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM):
Cần sự góp sức của nhiều ngành khác
Các trung tâm thương mại hiện nay chủ yếu phục vụ du khách trong nước, TP chưa có một trung tâm thật sự phù hợp cho du khách nước ngoài, gần như cả TP chỉ có một địa chỉ tương đối phù hợp là Trung tâm Miss Áo Dài. Các cửa hàng mua sắm đạt chuẩn (mô hình Sở Văn hóa – thể thao và du lịch triển khai) cũng chỉ cố gắng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cho du khách, nên chưa thể đáp ứng nhu cầu mua sắm rất lớn của hàng triệu lượt du khách nước ngoài đến TP.Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2015 du lịch TP.HCM sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế, lượng khách lớn như thế này đến TP.HCM mà không có chỗ để họ đi chơi, mua sắm… sẽ thế nào?
Muốn làm được điều này không chỉ một mình ngành du lịch đảm đương mà cần phải có sự hỗ trợ và góp sức của nhiều ngành khác. Tôi nghĩ TP.HCM nên có một chủ trương thoáng hơn trong việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng mô hình trung tâm mua sắm cho du khách và tôi tin chắc sẽ có nhiều nhà đầu tư hưởng ứng.L.N.

Theo LÊ NAM – LÊ SƠN (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)