Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du khách mắc kẹt trên biển

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều quốc gia phong tỏa, đóng cửa biên giới khiến du thuyền dự định băng qua Bắc Đại Tây Dương tới châu Phi để đến Pháp, mất khoảng 30 ngày.
 Leesan, người Malaysia, sáng lập Apple Holiday, đã đến 133 quốc gia trên thế giới. Bài viết của ông trên The Star kể về hành trình khám phá Nam Cực và bị mắc kẹt trên biển 24 ngày do các nước đóng cửa biên giới, phong tỏa để ngăn Covid-19.
Chúng tôi đang quay trở lại Nam Cực, mang theo những thông điệp về tình yêu thương loài chim cánh cụt, nhưng đúng lúc đấy, thuyền trưởng thông báo chúng tôi sẽ phải đối mặt với một hoàn cảnh hoàn toàn khác. Mọi thứ dường như đã thay đổi. Thế giới mà chúng tôi biết 15 ngày trước đã không còn nữa.
Virus vô hình làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của con người, khiến chúng tôi phải sống một cách căng thẳng. Nhiều nước đã đóng cửa biên giới; nhiều quốc gia và thành phố phong tỏa và đặt con người trong vòng kiểm soát di chuyển.
Cuối cùng điều mà thuyền trưởng muốn nói cũng được chúng tôi hiểu rõ, rằng có thể chẳng nơi nào để chúng tôi cập bến. Mọi người trên tàu đều sững sờ. Chúng tôi không thể ở trên con tàu mãi như thế này được. Chúng tôi muốn về nhà nhanh nhất có thể bởi ai cũng biết, thảm họa có thể sắp xảy ra. Thêm nữa, chúng tôi còn có gia đình ở quê hương đang chờ đợi.
Hành khách mong ngóng được cập cảng Montevideo để vào Uruguay, nhưng bị từ chối vào phút cuối.
Thế giới ngày càng trở nên bi đát khi virus tấn công và nhiều nước trở nên hoảng loạn. Chúng tôi biết rõ điều đó khi ở trên tàu. Nhiều du khách châu Âu rên rỉ trong tuyệt vọng vì họ cho rằng, cả Liên minh châu Âu (EU) đang bị phong tỏa sẽ khiến họ không thể về nhà sớm được. Chúng tôi rơi vào tình huống hoang mang, không biết phải làm gì.
Tôi vờ như mọi thứ chẳng có gì tệ, như cách tự mình trấn an, nhưng trong sâu thẳm tâm can, tôi thực sự lo sợ Covid-19. Dịch bệnh ở Malaysia bùng phát đang khiến những nđồng bào của tôi khốn khó. Tôi đã cầu nguyện chính phủ sẽ kiểm soát được tình hình để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus.
Covid-19 cũng khiến Nam Mỹ choáng váng. Chúng tôi tự hỏi liệu người dân có coi chúng tôi là người mang virus hay không và liệu họ có đóng cửa biên giới, ngăn chúng tôi vào.
Vị thuyền trưởng còn nói rằng có thể quá muộn để chúng tôi cập cảng ở bất kỳ quốc gia nào, khiến chúng tôi càng hốt hoảng hơn. Hành trình thám hiểm Nam Cực của tôi chỉ mới 15 ngày. Làm thế nào mà thế giới này có thể thay đổi nhanh đến chóng mặt trong thời gian ngắn ngủi đó? Con người bỗng nhiên xa cách nhau, chẳng dám đến gần, trở nên nghi ngờ nhau đến thế? Làm thế nào các nước đột ngột đóng cửa biên giới mà không có lời cảnh báo nào trước?
Tôi lại tự trấn an mình, may mắn sẽ ở phía chúng tôi. Những người gác cổng tốt bụng sẽ mở cửa biên giới cho chúng tôi vào. Nhưng khi chỉ còn 2 km nữa là tới cảng Montevideo, nơi chúng tôi tràn trề hi vọng được lên bờ để vào Uruguay thì chính phủ nước này ban lệnh khẩn cấp, đóng tất cả cửa vào trong ngày 13/3.
Mọi người suy sụp. Chúng tôi bị "nhốt" ở cảng Uruguay. Trái tim tôi trở nên đau đớn: tại sao thế giới này tàn nhẫn với chúng tôi đến vậy, tất cả quay lưng lại với chúng tôi mà không một lời cảnh báo? Dù tôi luôn hiểu rằng, phong tỏa đất nước là để ngăn cản đại dịch.
Tôi luôn thích xem những cuốn phim được dựng lên từ những con người thực và câu chuyện thực tế. Nhưng giờ đây, câu chuyện của tôi chẳng khác gì một cuốn phim với nhiều nút thắt, kinh khủng và hoảng loạn.
Sau hai ngày đàm phán với chính quyền Uruguay, chúng tôi vẫn không được phép cập cảng ở Montevideo. Trong nỗi tuyệt vọng đó, chúng tôi tìm thấy tia hi vọng từ quốc gia láng giềng – Argentina.
Tối 16/3, thuyền trưởng quay mũi tàu về phía bắc, nhằm hướng Argentina. Mọi người vỗ tay, ôm nhau và vui mừng trên boong tàu, cùng an ủi nhau chúng tôi có thể sẽ được trở về nhà.
Nhưng niềm vui không được kéo dài, chỉ hơn nửa giờ, Argentina đột nhiên thông báo phong tỏa đất nước khẩn cấp. Nhiều người đã lên kế hoạch đặt các chuyến bay ra khỏi Buenos Aires để trở về nước, nhưng hụt hẫng tột cùng. Các hành khách bắt đầu khóc, cảm thấy lo lắng và sợ hãi.
Cùng thời điểm, Malaysia cũng tuyên bố đóng cửa, ngăn mọi người ra vào. Tôi hiểu quyết định của các nước khu vực Nam Mỹ, nhưng không tưởng tượng được họ không chìa bàn tay để cứu giúp chúng tôi trong hoàn cảnh khốn cùng này.
Con tàu cuối cùng cũng được cập cảng Rio de Janeiro, Brazil để du khách trở về nước.
Hơn một trăm quốc gia trên khắp thế giới đã đóng cửa biên giới thời điểm đó. Các nước dường như đơn giản chỉ là đóng cửa biên giới mà không cảnh báo gì cả. Việc đóng cửa biên giới ngay lập tức khiến tất cả du khách, người lao động và du học sinh rơi vào tình trạng hoang mang vì họ bị từ chối cập cảng hoặc lên máy bay về nhà.
Có hơn 100 du thuyền và máy bay bị mắc kẹt khắp nơi trên thế giới, không thể đưa hàng trăm nghìn hành khách về với gia đình. Và tôi là một trong số hàng nghìn người "không chốn dung thân" như thế.
Thuyền trưởng thông báo rằng chúng tôi may mắn khi con tàu vẫn an toàn, có đủ nguồn cung lương thực và nước sạch để tiếp tục tiến về phía bắc dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Nam Mỹ tới Brazil.
Còn nếu Brazil từ chối, con tàu sẽ băng qua Bắc Đại Tây Dương tới Mũi Verde (châu Phi) để tiếp tế mọi thứ trước khi thực hiện hải trình 11.075km (từ 21 đến 30 ngày) tới Pháp.
Hôm nay là ngày thứ 24 chúng tôi ở trên tàu với tổng hành trình 9.100 km. Nếu tính chung cả các chặng bay, hành trình tổng cộng 28.970 km. Phần lớn hành khách không muốn tiếp tục hành trình đến Pháp mà chỉ muốn về nhà.
Tôi ngủ thiếp đi trong cơn mộng mị khi con tàu băng trên Đại Tây Dương, trong đầu vẫn không thôi nghĩ về quê nhà.
Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Malaysia ở Brazil, tôi đã trở về nhà an toàn vào ngày 24/3. Đó cũng là ngày Brazil tuyên bố phong tỏa hoàn toàn đất nước và hãng hàng không Emirates dừng tất cả các chuyến bay.
Vi Nguyễn (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)