Lượng khách du lịch Nhật Bản đến TP.HCM luôn nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế. Du khách Nhật Bản thích khám phá, chi tiêu cao nên việc xây dựng sản phẩm mới kèm theo nhiều chính sách ưu đãi sẽ giữ chân khách Nhật ở lại TP lâu và tăng dần số lượng.
Lượng khách tăng dần
Thời gian gần đây, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng tăng và là một trong những nước có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất. Chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy du lịch Việt – Nhật” diễn ra mới đây tại TP.HCM, bà Yoko Sakoda (người Nhật) cho biết, kể từ sau dịch người Nhật giảm du lịch nước ngoài nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến thứ 5 sau các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong… “Bối cảnh của Nhật Bản kinh tế suy thoái, lương ảnh hưởng đến thu nhập nên người Nhật không còn mặn mà đi nước ngoài. Người Nhật Bản chuyển sang khám phá trong nước, vì thế du lịch nội địa trở nên phổ biến hơn. Nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến du lịch phổ biến. Các điểm đến của Việt Nam được người Nhật yêu thích nhất là Hội An, Phú Quốc và TP.HCM. “Tuy nhiên, du khách Nhật Bản hiện vẫn thiếu thông tin về du lịch, sản phẩm mới của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì thế, các thông tin quảng bá bằng tiếng Nhật Bản, tiếng Anh rất quan trọng giúp người Nhật nắm được những thông tin về điểm đến cũng như dịch vụ du lịch”, bà Yoko Sakoda góp ý.
Ông Nguyễn Bác Toán – Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet cho biết, năm 2022 Vietjet phục vụ khoảng 1,3 triệu khách Nhật. Đến 2023 thì lên 2,9 triệu khách và năm nay 2024 trên 3 triệu. Như vậy khách Nhật, bao gồm mọi mục đích trong đó có du lịch đang tăng trưởng, riêng Vietjet là 35-40%. “Vietjet là hãng bay đến Nhật Bản nhiều nhất với 11 tuyến bay. Riêng đến Tokyo, Vietjet đã khai thác đến 2 sân bay. Đầu tháng 10-2024, Vietjet có thể mở thêm những điểm khác nữa bên cạnh các điểm mà hãng đã bay charter (thuê bao nguyên chuyến), trong đó bao gồm chuyến bay đến một điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng là Hokkaido”, ông Toán cho hay.
Ưu đãi cho khách Nhật
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, từ nay đến cuối năm, công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục triển khai về sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM, đồng thời tích cực thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch MICE, nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến TP.
Ngoài ra, hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được đẩy mạnh và triển khai thực hiện nhằm tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch TP.HCM đến với du khách. Trong đó, điểm nhấn là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa các hoạt động du lịch lên nền tảng trực tuyến nhằm tạo hiệu ứng, tính tương tác, độ lan tỏa cao. Bên cạnh đó, công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành có vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch trong đó có khách Nhật Bản, thúc đẩy sự hồi phục của du lịch TP nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. |
Nhìn nhận về thị trường này, ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc kinh doanh tiếp thị, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn khẳng định, Nhật Bản từ lâu được xem là một thị trường khách du lịch chất lượng cao với khả năng chi tiêu lớn. Để thành công trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nhật, chúng ta cần giải pháp thu hút khách hằng năm, thích ứng với những thay đổi của thị trường. Đó có thể là chương trình hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút khách Nhật đến Việt Nam. “Chúng tôi luôn chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng đến yếu tố chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng. Đồng thời, chúng tôi cũng áp dụng những chương trình, chính sách ưu đãi khác nhau. Hằng tuần, hằng tháng, hằng quý chúng tôi đều áp dụng các chính sách khuyến mãi, hậu mãi mang lại nhiều lựa chọn, tập trung từng thị trường, kể cả thị trường ngách”, ông Đạt chia sẻ.
Với góc độ doanh nghiệp, ông Võ Việt Hòa – Giám đốc Khối du lịch quốc tế, Lữ hành Saigontourist cho rằng, trong thu hút khách Nhật Bản, chất lượng dịch vụ là quan trọng nhất. Do vậy doanh nghiệp phải cố gắng để giảm chi phí, giảm giá để thu hút khách Nhật Bản.
Cũng theo ông Hòa, khách Nhật đến Việt Nam là khách trẻ, thích tự đi khám phá và biết tiếng Anh. Do vậy, với công tác quảng bá, xúc tiến, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để người Nhật trực tiếp biết đến các nét đẹp văn hóa, còn công ty du lịch vẫn sẽ thông qua các đối tác Nhật Bản cập nhật những sản phẩm mới nhất.
Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Đăng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Apex Việt Nam cho rằng, khi xác định được nhóm du khách mới thì cần có sản phẩm mới để khai thác hiệu quả, và phân khúc sản phẩm có thể cân nhắc đầu tư phát triển là du lịch học đường. “Gói du lịch học đường xuất phát từ Tây Nam của Nhật. Năm 2014 có nhiều chương trình của Nhật cho học sinh qua Việt Nam, nhờ kênh ngoại giao nhân dân. Hằng năm, 3.000 đến 4.000 học sinh qua theo chương trình như vậy nhưng hiện tại đang bị ngưng vì nhiều lý do. Nếu có ngân sách từ chính quyền, kết hợp cùng hàng không, tôi nghĩ sẽ hỗ trợ được ngay”, ông Đăng nói.
Kiều Khánh
Bình luận (0)