Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa công bố ba giai đoạn đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, các thành phố Cam Ranh, Quảng Nam, Đà Nẵng và Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế trong tháng 11/2021.
Theo Bộ VHTT&DL, hiện Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế. Trong đó, Khánh Hoà, Quảng Nam và Đà Nẵng đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin phép được đón khách du lịch quốc tế trong tháng 11/2021.
Các địa phương sẽ tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 cho người lao động, khách đi tour trọn gói, lưu trú tại khách sạn được lựa chọn, không tiếp xúc với cộng đồng dân cư.
Phú Quốc dự kiến đón khách quốc tế từ ngày 20/11 theo hình thức khép kín – Ảnh: Quốc Thái |
Lộ trình mở cửa lại du lịch quốc tế được Bộ VHTT&DL đề xuất theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày. Trước mắt kết nối Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh.
Giai đoạn 3 (từ Quý II/2022): Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng chống dịch theo quy định.
Bộ VHTT&DL sẽ ưu tiên nhiệm vụ lựa chọn thị trường khách tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng chống dịch bệnh COVID-19, có thừa nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc xin”. Bộ đề xuất khách du lịch đến từ các khu vực như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản), Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan), châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Ấn Độ, châu Úc… với điều kiện đáp ứng các yêu cầu về “hộ chiếu vắc xin”.
Bộ cũng đề xuất điều kiện để khách tham gia du lịch phải có chứng nhận tiêm đủ liều loại vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh; Có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng; Có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh;
Ngoài ra, khách quốc tế cần phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có chi trả phạm vi dịch bệnh COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD; Tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Để thực hiện lộ trình đón khách quốc tế trên, Bộ VHTT&DL đề xuất đối với Chính phủ xem xét đồng ý cho triển khai đón khách du lịch quốc tế theo kế hoạch trên. Cho phép cấp lại thị thực du lịch để thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo “hộ chiếu vắc xin”. Đồng thời, đồng ý chủ trương “Miễn phí thị thực nhập cảnh Việt Nam” cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh trong giai đoạn 1 và 2 để kích cầu, thu hút khách du lịch.
Chỉ đạo các Bộ Ngoại giao, Y tế, Công an, GTVT, Thông tin và Truyền thông và các địa phương: Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh chủ động triển khai các nhiệm vụ nêu trên nhằm sớm triển khai mở lại hoạt động du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, thuận lợi và hiệu quả.
Riêng Bộ Y tế, cần sớm có quy định về quy trình y tế đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam trong giai đoạn 1 và điều kiện cho phép khách du lịch quốc tế sau 7 ngày đi tour trọn gói tại địa phương đầu tiên, được kết nối, tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến đề xuất tại Giai đoạn 2.
Đối với Bộ Ngoại giao, cần sớm triển khai thừa nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc xin” giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các thị trường du lịch trọng điểm; hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận chứng nhận tiêm chủng, xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL đề xuất đối với UBND các địa phương tăng cường tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành du lịch; lựa chọn các cơ sở dịch vụ, chuẩn bị về năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, ban hành các phương án an toàn phòng chống dịch bệnh và xử lý sự cố y tế phát sinh; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ trên.
"Bộ VHTT&DL cũng sẽ phối hợp với các địa phương thông tin, yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế kết hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ trên địa bàn xây dựng sản phẩm hấp dẫn, cam kết đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19 và cùng có phương án xử lý sự cố phát sinh", Bộ VHTT&DL nêu.
Theo Quốc Thái/PNO
Bình luận (0)