Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Du khách sập bẫy công ty du lịch ma

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người tay trắng cũng lập được công ty du lịch lữ hành.

Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đã ban hành đến 24 quyết định xử phạt vi phạm liên quan đến lĩnh vực du lịch. Trong đó có 13 quyết định đối với cơ sở lưu trú, 11 quyết định xử phạt đối với công ty kinh doanh lữ hành. Vi phạm chủ yếu là hoạt động nhưng không thông báo cho cơ quan nhà nước; kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép; thay đổi địa chỉ liên tục nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý…

“Tay không bắt giặc”

Luật Du lịch 2005 không yêu cầu công ty kinh doanh lữ hành nội địa phải có giấy phép, điều kiện cấp phép kinh doanh và cũng không phải ký quỹ.

Nhiều chuyên gia, công ty du lịch đánh giá đây chính là một trong những lỗ hổng mà người chịu thiệt thòi là du khách. “Điều này dẫn đến tình trạng công ty lữ hành được thành lập tràn lan, hoạt động không nghiêm túc, thậm chí vô trách nhiệm và ảnh hưởng đến khách hàng” – bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, nói.

một chuyên gia kể cách nay không lâu hàng chục khách mua tour Thái Lan của một công ty du lịch lữ hành tại TP.HCM đã bị lừa. Cụ thể, khi du khách đến sân bay làm thủ tục chuẩn bị xuất cảnh mới té ngửa khi biết công ty trên đã biến mất, lãnh đạo công ty cũng biệt tăm. Du khách bơ vơ giữa sân bay.

“Khách mua tour của công ty này trên mạng theo hình thức mua theo nhóm. Vì thấy giá tour được quảng cáo khá rẻ, hành trình năm ngày bốn đêm chỉ hơn 5,9 triệu đồng/người. Mặt khác, xem hình ảnh qua mạng thấy công ty có vẻ làm ăn đàng hoàng, chuyên nghiệp… nên khách liên hệ mua tour. Ai ngờ tiền mất tật mang” – chuyên gia trên nói.

Trên thực tế không ít công ty được thành lập kiểu “tay không bắt giặc”, chỉ một người vừa là giám đốc vừa là nhân viên nhưng tổ chức tour đi khắp nơi. Những đối tượng này thường có nhiều chiêu cắt xén dịch vụ để giảm giá tối đa, thậm chí cả lừa đảo. Trong khi đó việc quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo càng làm cho loại hình du lịch này lộn xộn, khó quản lý, cạnh tranh không lành mạnh.

“Mặc dù các doanh nghiệp (DN) lữ hành nội địa có thực hiện một số điều kiện kinh doanh nhưng các điều kiện này quá dễ dàng và không có đủ sức ràng buộc, răn đe” – đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho hay.

Nhiều du khách chọn các công ty có thương hiệu để đảm bảo có chuyến đi chất lượng. Ảnh: TÚ UYÊN

Phải bảo vệ du khách

Ông Phạm Xuân Nam, Giám đốc Công ty Du lịch Xuân Nam, nhấn mạnh các DN làm du lịch nội địa cũng cần phải được ràng buộc trách nhiệm trong kinh doanh, bởi nó phục vụ đối tượng là con người. Đáng tiếc là hiện tại có khi chỉ với hai bàn tay trắng người ta cũng có thể làm du lịch nội địa nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh bằng giá khốc liệt thay vì bằng uy tín, chất lượng.

 Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đã bổ sung quy định việc cấp, sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành cho loại hình kinh doanh nội địa, DN phải ký quỹ một số tiền nhất định (dự kiến khoảng 150 triệu đồng) trong ngân hàng để giải quyết trong trường hợp đột ngột giải thể, phá sản, tai nạn hay “xù” du khách.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, đại diện Công ty Du lịch TransViet, nhận xét việc quy định DN kinh doanh lữ hành nội địa phải ký quỹ, có văn phòng là cần thiết. Thứ nhất, thể hiện năng lực tài chính của DN, thứ hai để khắc phục hậu quả nếu “có vấn đề”. Tuy nhiên, số tiền ký quỹ nên cho DN hưởng lãi suất năm thay vì lãi không kỳ hạn rất thấp như hiện nay.

Nhiều ý kiến khác cũng tán đồng với quan điểm trên nhưng lưu ý rằng quy định này sẽ khó đi vào thực tế nếu các cơ quan có thẩm quyền không siết chặt công tác quản lý du lịch lữ hành. Thêm nữa các DN lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm đến… đều chịu sự quản lý của các địa phương. Do đó bên cạnh ngành du lịch thì chính quyền các địa phương cũng phải có trách nhiệm chung trong bảo vệ khách.

Tự bảo vệ mình

Một lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng bản thân du khách cũng cần phải tỉnh táo để tự bảo vệ mình trước những kiểu làm ăn gian dối của công ty du lịch. Chẳng hạn chọn lựa đơn vị uy tín để mua chương trình du lịch, tránh tình trạng thấy giá tour rẻ thì chen chúc nhau đăng ký đi.

Chị Lê Ngọc Anh, quận 3, TP.HCM chia sẻ chị rất lo lắng khi có thông tin về hiện tượng một số công ty du lịch đưa khách ra nước ngoài rồi bỏ rơi khách. “Rút kinh nghiệm từ thực tế trên nên hiện nay gia đình chỉ chọn những công ty du lịch có thương hiệu. Mặc dù có khi thấy một số tour nước ngoài giá rẻ cũng ham nhưng tôi quan tâm đến chất lượng tour nhiều hơn là giá”.

_________________________________

1.079 là số DN lữ hành mà Sở Du lịch TP.HCM đang quản lý. Trong đó có 571 DN lữ hành quốc tế, 548 DN lữ hành nội địa, 43 đại lý và tám văn phòng đại diện nước ngoài.

TÚ UYÊN (PLO)

Bình luận (0)