Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dự kiến 25.000 – 29.000 vị trí công việc cần tuyển lao động phục vụ dịp Tết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 4-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy – Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.


Bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP thông tin tại họp báo

Tại họp báo, bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP đã thông tin về thị trường lao động trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.

Theo bà Trang, mặc dù kinh tế còn khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán là nhu cầu thiết yếu và đây là dịp các doanh nghiệp quan tâm và chú trọng triển khai các chương trình thu hút khách hàng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Dự kiến có khoảng 25.000 – 29.000 vị trí công việc có nhu cầu tuyển lao động phục vụ dịp Tết. Nhu cầu nhân lực trước Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 69,58%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 30,10%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,32%.

Nhu cầu tuyển dụng tập trung trong các ngành như dệt may – giày da; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn và bán lẻ; du lịch; dịch vụ giải trí; chăm sóc sức khỏe; dịch vụ cá nhân, bảo vệ… và tăng ở lao động thời vụ, bán thời gian với nhiều vị trí: công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng, nhân viên đóng gói, nhân viên phục vụ,…


Dự kiến 25.000 – 29.000 vị trí công việc cần tuyển lao động phục vụ dịp Tết

Dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán năm 2024 cần từ 48.971 – 57.471 chỗ làm việc. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành, lĩnh vực như: dệt may – da giày; dịch vụ lưu trú và ăn uống; chế biến thực phẩm; nhựa – cao su.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 70,56%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%.

Tại họp báo, bà Trang cũng thông tin về tình hình trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết năm 2024.  Qua tổng hợp thông tin tại 1.289 phiếu khảo sát của doanh nghiệp về kế hoạch thưởng Tết năm 2024, cho thấy mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử – công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm; phát triển phần mềm; thương mại,… các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2024 bình quân khoảng 4,7 triệu đồng/người, cao hơn so với kết quả khảo sát của năm 2023 (3,2 triệu đồng/người).

Tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người, gần tương đương so với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (12,8 triệu đồng/người).

Có 599 doanh nghiệp (chiếm 46,47%), ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê ăn tết, tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.

Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trung bình từ 8 đến 9 ngày, nhiều doanh nghiệp kết hợp giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.

Cũng theo bà Trang, Sở LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động TP thực hiện các chương trình chăm lo, hỗ trợ người lao động  với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn”.

Trong đó, sẽ ưu tiên chăm lo đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, không có điều kiện về quê đón Tết; đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực hoạt động Công đoàn; đoàn viên nghiệp đoàn… với kinh phí chăm lo Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của 2 cấp TP và cấp trên trực tiếp cơ sở khoảng 130 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở phối hợp Liên đoàn Lao động TP thực hiện kế hoạch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” qua sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm hỗ trợ đoàn viên công đoàn mua hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả ưu đãi. Qua đó, đã chăm lo cho 4.000 trường hợp với kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đã huy động nguồn lực xã hội, phối hợp triển khai trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và cơ quan có liên quan rà soát hỗ trợ kịp thời giúp đỡ các doanh nghiệp khó khăn, chăm lo cho người lao động ngừng việc – nghỉ việc có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đối với người lao động làm việc trong khu chế xuất – khu công nghiệp, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động như tổ chức các chương trình văn nghệ chào đón năm mới; trao tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay; chương trình “Phiên chợ nghĩa tình – Tết đoàn viên”; “Tết sum vầy – Xuân tri ân”; “Vui Tết cùng công nhân”; gặp gỡ giữa Bí thư chi đoàn doanh nghiệp với Đảng ủy Ban quản lý Khu; họp mặt cán bộ công đoàn các thời kỳ; “Mua sắm phúc lợi – Tết yêu thương”…

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)