Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dự kiến đầu tháng 1-2022, học sinh TP.HCM sẽ trở lại trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, dự kiến đầu tháng 1-2022, tức là HKII học sinh thành phố sẽ tham gia học trực tiếp trở lại. Hiện nay, tỷ lệ học sinh thành phố tham gia học trực tuyến ở các bậc học dao động từ 97%-99,8%. Cụ thể, tiểu học là 97,73%; THCS là 99,7%; THPT là 99,8%.


Dự kiến đầu tháng 1-2022, học sinh TP.HCM sẽ trở lại trường học

Thông tin được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đưa ra tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM

Dự kiến đầu tháng 1-2022, học sinh thành phố trở lại trường học

Theo lãnh đạo Sở, đến thời điểm này có khoảng 10% số trường học đã hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch, trao trả cho ngành, (150/1500 trường được trưng dụng). Hiện, các địa phương đang cuốn chiếu dần, dự kiến giữa tháng 11 bàn giao, trao trả toàn bộ cho ngành. Ngành giáo dục cần khoảng 1 tháng để sửa chữ cơ sở vạt chất.

Các địa phương cũng đang xây dựng dự toán, tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, nhất là đối các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Các trường rà soát cơ sở vật chất, phòng học, môi trường cảnh quan, tình hình đội ngũ, đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ 2 mũi. Các trường đăng ký mã QR, thực hiện khai báo y tế khi đi học lại, đảm bảo an toàn khi trở lại trường.

“Nếu được phép của UBND thành phố, dịch bệnh được kiểm soát và các trường thực hiện đúng bộ tiêu chí, dự kiến đầu tháng 1- 2022, tức là HKII các trường học sẽ mở cửa, học sinh thành phố sẽ trở lại trường học học trực tiếp”, ôn Hiếu nói.

Trên 97% học sinh thành phố tham gia học trực tuyến

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu, tỷ lệ học sinh thành phố tham gia học trực tuyến đến thời điểm này ở các bậc học dao động từ 97%-99,8%. Cụ thể, tiểu học là 97,73%; THCS là 99,7%; THPT là 99,8%.

Tính đến ngày 7-10, thành phố còn 1.821 học sinh tiểu học chưa liên hệ được, giảm mạnh so với con số gần 11.000 học sinh ngày 30-8, số học sinh tiểu ở tỉnh nhưng vẫn tham gia học trực tuyến là 26.507 em, số em đăng ký học tạm ở tỉnh là 5.334 em.

Năm học 2021 – 2022, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP.HCM triển khai dạy và học trên internet, xác định là hình thức tổ chức dạy học phù hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, với qui mô rất lớn (hơn 1,3 triệu học sinh học) và nhu cầu băng thông phục vụ việc học rất cao, khi sử dụng hình thức livestream cùng với một số hạn chế về mặt công nghệ đã có hiện tượng không truy cập hệ thống được khi dạy học.

Để khắc phục, Sở đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Công viên phần mềm Quang Trung hỗ trợ để tăng thêm máy chủ, băng thông đáp ứng yêu cầu truy cập hệ thống dữ liệu ngành. Đồng thời yêu cầu các trường tăng cường hướng dẫn học tập qua hệ thống LMS, gửi hướng dẫn học tập, giao nhiệm vụ, cung cấp thêm các video clip cho học sinh, tăng các hình thức tương tác khác. giảm thời lượng livestream.

Sở cũng tổ chức kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại các địa bàn có khó khăn để hướng dẫn các địa phương và các nhà trường thực hiện và khắc phục các tồn tại, hạn chế về công tác tổ chức, kỹ năng dạy học, phân công, phối hợp khi dạy học qua internet.

Đối với bậc trung học, Sở hướng dẫn đơn vị duy trì tăng cường thời lượng tổ chức học theo quá trình, chỉ livestream ở mức 50% tổng thời lượng học tập theo chương trình, chủ đề, phát huy việc tự học cho học sinh. Các cơ sở giáo dục được linh hoạt trong khung giờ tổ chức học livestream; linh động trong chuyển đổi hệ thống quản lý học tập.

“Hiện nay, tình hình học tập trên internet ở các trường trung học đã ổn định. Dạy học trên internet sẽ là một phương thức học tập được thực hiện thường xuyên, đồng thời ngay cả khi các trường học mở cửa trở lại nhằm phát huy tối đa các điều kiện dạy học giúp học sinh, nhà trường thích ứng trong điều kiện bình thường mới”, ông Hiếu khẳng định.

Ở bậc tiểu học, học sinh lớp 1, 2 khai thác nội dung dạy học trên truyền hình, video đã ghi hình; từ lớp 3-5 tổ chức dạy học trên môi trường internet là chủ đạo, dạy học trên truyền hình và video là bổ trợ. Thời khoá biểu chú trọng Tiếng Việt, Toán. Các môn học và hoạt động giáo dục khác thực hiện chủ đề học tập, hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh.

“Khi dịch bệnh được kiểm soát các trường sẽ sử dụng dạy học trực tiếp tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện dạy học nội dung mới và kiểm tra đánh giá; không tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được tinh giản, các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học”, lãnh đạo Sở bổ sung.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhận định, qua thời gian dạy trực tuyến, nhiều giáo viên có sự sáng tạo trong thiết kế bài dạy, phối hợp hiệu quả dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình. Nhiều hoạt động trò chơi được lồng ghép vào các hoạt động bài dạy nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Không những vậy, giáo viên còn kịp thời động viên, khen thưởng để tạo động lực học tập cho các em trong mỗi tiết học. “Số lượng học sinh tham gia học trực tuyến trong mỗi tiết học rất đầy đủ, đạt gần 100%. Nhiều em có sự tương tác tốt, phụ huynh nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn các em học tập tại nhà”, ông Hiếu nói.

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau do dịch COVID-19, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với học sinh không có điều kiện học trực tuyến, ngành đã kịp thời phối hợp với mạnh thường quân trao tặng thiết bị học tập trực tuyến, sách giáo khoa, thiết bị, dụng cụ học tập cho học sinh. Ban điều phối của trường, địa phương chuyển tài liệu học tập đến nhà cho từng học sinh. Ngành cũng xây dựng kho học liệu dạy học qua các tiết ghi hình, thực hiện dạy học trên truyền hình.

Với học sinh đang kẹt ở quê, ông Hiếu thông tin, giáo viên hướng dẫn học sinh học tạm ở địa phương, thường xuyên nắm tình hình học tập của học sinh. Nếu không thể học tạm tại địa phương, giáo viên hướng dẫn học sinh nhiệm vụ học tập đơn giản, tham khảo bài dạy trên truyền hình, kịp thời giải đáp thắc mắc của học sinh.

“Học sinh ở khu cách ly, GVCN động viên, nắm tình hình sức khỏe học sinh, gửi thông tin về các bài giảng trên truyền hình, link bài giảng để học sinh theo dõi. Nhà trường phối hợp với UBND phường gửi phiếu học tập, hướng dẫn nội dung học tập cho học sinh. Khi các em hết thời gian cách ly, thầy cô sẽ trao đổi, hướng dẫn các em cách tự học, có phương án tổ chức phụ đạo trực tuyến học sinh”, ông Hiếu chia sẻ.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)