Cần phải tính toán dựa trên nhiều yếu tố trước khi sáp nhập trường cao đẳng, xóa sổ trường trung cấp |
Theo dự thảo, trong giai đoạn 2021-2025, giảm số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập 10% so với năm 2020 (số trường TC giảm 50% so với năm 2020), 60% địa phương hình thành trường CĐ đa ngành công lập cấp tỉnh từ việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành một đơn vị sự nghiệp công lập.
Giai đoạn 2026-2030, giảm 20% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020; giảm 100% số trường TC so với năm 2020; 100% địa phương hình thành trường CĐ đa ngành công lập cấp tỉnh từ việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành một đơn vị sự nghiệp công lập.
Cũng theo dự thảo, cấu trúc mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập gồm 4 nhóm là trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện được phân bố trên toàn quốc. Trường TC công lập duy trì đến năm 2030. Trường CĐ có các phân tầng chất lượng, trong đó, trường CĐ công lập thực hiện nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu về giáo dục nghề nghiệp (về cơ bản, mỗi địa phương có 1 trường, phân bố ở 63 tỉnh thành); trường CĐ chất lượng cao; cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt, đặc thù…
Cuối tháng 8, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản thống nhất sáp nhập Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hòa Bình và Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình thành Trường CĐ Kinh tế – Công nghệ Hòa Bình, nhằm giảm biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nhưng cuối tháng 10, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị chưa sáp nhập 2 trường CĐ trên. Việc sáp nhập các trường được xem xét thực hiện vào thời điểm thích hợp. Tiếp đó, giữa tháng 11, Sở Nội vụ Hòa Bình có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH, đối chiếu thực trạng tại 2 trường CĐ, hiện nay việc tuyển sinh, đào tạo tại các trường đang hiệu quả và ngành nghề, lĩnh vực đào tạo của 2 trường khác nhau, Sở Nội vụ đề xuất theo hướng tạm thời dừng thực hiện việc sáp nhập.
Theo Sở Nội vụ Hòa Bình, Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến sáp nhập những đơn vị giáo dục công lập không hiệu quả trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi đánh giá 2 trường CĐ, kết quả cho thấy hoạt động vẫn hiệu quả.
Không thể sáp nhập cơ học
TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH nỗ lực xóa bỏ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo kiểu cơ học mà không tính đến đặc thù địa bàn, ngành nghề, có tư tưởng ly khai khỏi hệ thống giáo dục quốc gia. Theo ông, điều này sẽ không khả thi và sự phân ly đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống chung. Ông cũng băn khoăn, với chỉ mấy chục trường CĐ công lập như dự thảo quy hoạch, làm thế nào để đào tạo được khoảng 900 nghề như hiện nay?
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT, cho rằng, việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cấp thiết vì có giai đoạn các trường TC, CĐ được quản lý bởi hai bộ khác nhau (trước năm 2015) dẫn đến bùng nổ số lượng trường. Điều này dẫn tới các trường chồng chéo ngành nghề gây lãng phí nguồn lực đầu tư, đất đai, tài chính, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Nhưng theo ông Vinh, không thể phân bổ theo kiểu mỗi địa phương chỉ còn duy nhất một trường CĐ công lập như dự thảo đưa ra. Những khu vực, vùng có nền kinh tế phát triển năng động như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, tại sao chỉ có một trường CĐ công lập, trong khi hiện nay có nhiều trường đang tuyển sinh và đào tạo tốt, chất lượng được xã hội công nhận.
Theo ông, nên giữ lại những trường TC có năng lực tuyển sinh, đào tạo tốt, phát triển mạnh. Cơ cấu việc làm, nhu cầu nhân lực bậc TC vẫn luôn chiếm số lượng cao nhất so với các bậc học khác. Vì vậy, ông cho rằng, việc sắp xếp cơ học, áp đặt là chưa hợp lý, không hiệu quả.
TS Vinh nói rằng, quy hoạch cần có mục tiêu, không chỉ là sáp nhập hay giải thể, mà phải quy hoạch cả ngành nghề đào tạo. Trước khi sáp nhập, cần xác định mô hình trường, chiến lược phát triển nhà trường. Sau khi sáp nhập, cần tổ chức bộ máy quản lý, đào tạo, sử dụng nguồn lực hậu sáp nhập…, tránh thất thoát, lãng phí do tham nhũng, trục lợi.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, nhu cầu kinh phí dự kiến đến năm 2030 là 37.947 tỷ đồng. |
Bình luận (0)