Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu tổ chức tốt việc chấm thi, dự kiến theo hướng chấm theo cụm, trên tinh thần không để cán bộ chấm thi chấm bài của học sinh tỉnh mình.
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018 |
Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT) vừa cho biết điều này khi nhấn mạnh các giải pháp cải tiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo ông Trinh, bộ sẽ tiếp tục duy trì tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng có bổ sung những điều chỉnh để kỳ thi diễn ra tốt hơn.
Duy trì thi THPT quốc gia có điều chỉnh
Cục trưởng nhận định, từ trước năm 2002, việc thi tuyển ĐH-CĐ được giao cho các trường tự chủ. Học sinh từ khắp mọi miền trở về các trường để thi, rất nặng nề tốn kém. Đặc biệt, các trung tâm luyện thi mọc như nấm, tạo áp lực lớn cho xã hội và cũng tạo sự bất công bằng khi có cuộc cạnh tranh không cân sức giữa thí sinh có điều kiện luyện thi và thí sinh khó khăn, không được luyện thi. Chính vì vậy, từ năm 2002 đến 2014, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung” với nhiều ưu điểm, đưa công tác tổ chức thi vào nề nếp hơn, công bằng hơn. Tuy nhiên, thi “3 chung” cũng vẫn còn rất nặng nề khi mà từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, cả nước có tới 4 lần thi quốc gia (1 lần thi THPT, 2 lần thi ĐH và 1 lần thi CĐ), vô cùng áp lực và tốn kém, nhất là với các thành phố lớn (học sinh dồn về thi, cả người dân cũng áp lực, nhất là những người vùng khó). Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng học sinh học lệch, tập trung chủ yếu những môn thi ĐH-CĐ, lò luyện thi vẫn cứ tồn tại.
Ông Trinh khẳng định, với chương trình, SGK hiện hành, với cách dạy học như hiện nay thì phương thức tổ chức thi THPT quốc gia là phù hợp nhất. Không nên vì một số hạn chế, thiếu sót mà chúng ta phủ nhận hoặc đi theo hướng khác vì đổi mới cần phải kiên trì, sáng tạo. “Tôi tin khi kết quả kỳ thi THPT quốc gia còn tốt, còn đủ độ tin cậy thì các trường sẽ còn sử dụng” – ông Trinh nói
Trước một số ý kiến cho rằng không cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa, ông Trinh cho rằng, điều này không thể vì vi phạm Luật Giáo dục. Hiện đã không còn kỳ thi chuyển cấp 1 và 2; cùng với đặc điểm văn hóa truyền thống một số nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nếu không thi sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục phổ thông. Việc tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa là yêu cầu thực tiễn, vừa đáp ứng văn hóa truyền thống vừa nằm trong quy định của pháp luật. Quan trọng là làm sao tổ chức tốt kỳ thi này để đánh giá đúng chất lượng học sinh; thông qua đánh giá phân tích kết quả kỳ thi điều chỉnh trở lại quá trình dạy học trong các trường theo hướng nâng cao chất lượng và định hướng dần việc chuyển từ nền giáo dục chú trọng về nội dung sang nền giáo dục chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực mà chúng ta đang trong lộ trình thực hiện. Kỳ thi này đo đạt trình độ học vấn phổ thông các học sinh nên trong thiết kế phần lớn các câu hỏi là ở mức độ học vấn phổ thông, đồng thời có những câu hỏi ở cấp độ nâng cao, phù hợp thang bậc nhận thức.
Sẽ sớm có đề thi tham khảo
“Với chương trình SGK hiện hành, với cách dạy học như hiện nay thì phương thức tổ chức thi THPT quốc gia là phù hợp nhất. Không phải vì một số hạn chế, thiếu sót mà chúng ta phủ nhận hoặc đi theo hướng khác vì đổi mới cần phải kiên trì, sáng tạo”… – ông Mai Văn Trinh đánh giá. |
Theo ông Mai Văn Trinh, để tiếp tục duy trì và cải tiến kỳ thi THPT quốc gia, năm 2019, bộ sẽ triển khai một số nhóm giải pháp quan trọng. Thứ nhất, rà soát lại tổng thể quy chế, quy trình để cụ thể hóa hơn nữa những quy định, trong đó lưu ý hơn việc xác định rõ trách nhiệm của những bên liên quan tham gia tổ chức. Thứ 2, công tác đề thi là hết sức quan trọng, việc xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi thời gian qua đã là nỗ lực rất lớn nhưng cũng cần cố gắng nhiều hơn. Bộ xác định tiếp tục xây dựng ngân hàng đề thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo yêu cầu, nhất là xây dựng đề thi chính thức cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 phù hợp tính chất kỳ thi và thời gian làm bài của thí sinh. Việc xây dựng ngân hàng đề thi là lâu dài. Bộ sẽ sớm có đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh yên tâm theo định hướng đó tổ chức dạy học. Thứ 3, tiếp tục hoàn thiện và củng cố ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào các khâu tổ chức thi, trong đó có việc hoàn thiện phần mềm chấm thi, tăng cường bảo mật để hạn chế gian lận.
Thứ tư, bộ sẽ nghiên cứu tổ chức tốt việc chấm thi, dự kiến hướng chấm theo cụm, trên tinh thần không để cán bộ chấm thi chấm bài của học sinh tỉnh mình. Thứ 5, qua những sự việc của năm 2018, có thể thấy rằng công tác nhân sự, con người là quan trọng nhất, mọi giải pháp kỹ thuật, công nghệ cuối cùng cũng đều do con người làm ra nên việc lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi rất quan trọng. Đi kèm với chọn đúng người rồi thì việc tập huấn cũng sẽ kỹ hơn. Thứ 6, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các điểm thi, hội đồng thi… ở tất cả các khâu.
Mê Tâm
Bình luận (0)