Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dự kiến ngày 18-6 công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

 

Ngày 15-6, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết, việc chấm chéo thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương vẫn đang được triển khai tốt. Với tiến độ này, bộ sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngày 18-6.
Hội đồng chấm thi tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất khâu chấm thi và sẽ bàn giao bài cho tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 16-6. Hội đồng chấm thi Phú Thọ không ghi nhận sự cố đặc biệt, trừ một bài thi có dấu hiệu lạ: thí sinh không làm bài mà chỉ ghi tên, tuổi, số điện thoại liên hệ, vì vậy giám thị đã cho điểm 0.
Nghệ An đã cơ bản hoàn tất khâu chấm bài thi cho Hà Nội. Nhìn chung chất lượng làm bài thi tốt nghiệp năm nay khá, nếu căn cứ theo kết quả môn văn, toán mà Nghệ An chấm thi cho Hà Nội thì ước tính tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội sẽ rất cao, khoảng 70% – 80%.
Một số ý kiến cho rằng đáp án môn Văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu chấm điểm theo ý là khá máy móc. Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Nguyễn Tất Thắng cũng cho biết, Nam Định đã hoàn tất chấm thi cho Hà Tĩnh. Nhận định bước đầu cho thấy kết quả thi của Hà Tĩnh không cao.
Một số phản ánh của giáo viên chấm thi cho biết, đa số giáo viên phải chấm thi trong vòng 1 tuần, khá vất vả. Thời tiết tuần qua ở miền Trung, miền Bắc đều nắng nóng nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe giáo viên chấm thi.
Tuy nhiên, điều đáng nói là sau 1 tuần chấm thi, nhiều giáo viên ở Nghệ An chỉ nhận thù lao trung bình khoảng 800.000 đồng/400-500 bài thi. Trong khi đó, cùng với số lượng bài thi đã chấm, số thù lao này ở Thanh Hóa gấp đôi. “Theo quy định của Bộ Tài chính, mức chi cho mỗi bài chấm thi là 6.000 đồng, nhưng không hiểu sao thù lao dành cho giáo viên chấm thi rất thấp” – một số giáo viên ở Nghệ An phản ánh.
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là trên 1 triệu thí sinh trong cả nước lại bước vào một kỳ thi ĐH-CĐ. Tại thời điểm này, trong khi các thí sinh đang miệt mài ôn luyện tại gia đình, hoặc tại lò luyện thi cấp tốc thì ở các trường ĐH, công việc chuẩn bị cơ sở vật chất, huy động giám thị coi thi cũng đang vào giai đoạn “nước rút”.
Theo ghi nhận chung, tuy đau đầu nhưng hiện nhiều trường đã cơ bản hoàn tất khâu thuê địa điểm tổ chức thi. Đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm nay có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) “khổng lồ” với gần 56.000 bộ, tăng 22.000 bộ so với năm ngoái, nên năm nay trường phải tổ chức tới 32 điểm thi với 1.066 phòng thi. Một số địa điểm thi phải thuê của trường THCS.
Trong số hơn 2.100 giám thị coi thi, ngoài lực lượng giảng viên, nhân viên của trường, trường phải thuê thêm 1.000 giáo viên các trường có địa điểm thi làm giám thị. Hoặc như ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, với 45.758 hồ sơ ĐKDT, chia thành 1.400 phòng thi nên trường đã phải thuê các điểm thi trải từ trên quận Long Biên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đến huyện Mỹ Hào (Hưng Yên)…
Một nỗi lo muôn thuở của các trường ĐH khi tổ chức thi tuyển đầu vào, đó là lượng hồ sơ ảo cao khiến cho các trường vừa vất vả khâu tổ chức, vừa… lỗ. Nhiều trường như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH GTVT vài năm liên tiếp gần đây số thí sinh đến dự thi chỉ khoảng 60%.
Theo GS-TS Wolf Rieck, Hiệu trưởng ĐH Việt Đức, năm nay trường tuyển sinh bậc ĐH các ngành: kỹ thuật điện, quy hoạch đô thị, tin học và bậc cao học các ngành: kỹ thuật tính toán, cơ điện tử, công nghệ sensor, tin học, tin học kinh tế. Điều kiện xét tuyển: Tiếng Anh đạt ít nhất 550 điểm TOEFL. Học phí 1.500 USD/năm. Bậc ĐH, điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển vào ĐH Bách khoa TPHCM. Bậc cao học, tốt nghiệp ĐH và có điểm tốt nghiệp từ 8,0 trở lên (thông tin chi tiết trên www.vgu.edu.vn).
Sau 10 ngày ra quân, đến nay chương trình Tiếp sức mùa thi (TSMT) 2009 đã đón hơn 8.000 thí sinh (TS) và phụ huynh từ các tỉnh về TPHCM để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009. Lực lượng sinh viên tình nguyện đã giới thiệu hơn 5.000 chỗ trọ giá rẻ, trong đó có 1.201 chỗ miễn phí; gần 9.000 suất cơm và hơn 4.500 bản đồ miễn phí cho TS.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó ban Thường trực chương trình TSMT cho biết, mới đây Trung tâm Hỗ trợ SV TPHCM tiếp tục nhận thêm nhiều đóng góp của các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Chay Âu Lạc, Công ty CP Kinh Đô, Ngân hàng Đại Tín (TrustBank)… Để chuẩn bị đón tiếp TS trong đợt cao điểm vào cuối tháng 6, hiện nay lực lượng SV tình nguyện duy trì ca trực tại Ga Sài Gòn và các bến xe.
Thí sinh có thể tiếp cận thông tin và nhận sự hỗ trợ của chương trình tại website www.hotrosinhvien.vn hoặc www.visuhoclatrondoi.com
Nhóm PV SGGP
Quận 10: Điểm chuẩn 16 vào lớp 6 công lập
* Trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Văn Tố tuyển 175 học sinh
Ngày 15-6, Phòng Giáo dục quận 10 TPHCM cho biết: Các trường mầm non (MN) 2, 3, 2/9 nhận trẻ theo nguyện vọng của PHHS. Trường MN 19/5, Măng non 1 nhận trẻ khu vực phường 12 và theo nguyện vọng PHHS. Các trường MN khác nhận trẻ trên địa bàn. Thời gian chiêu sinh từ 1 đến 30-7.
Ở lớp 1, trẻ em bị tàn tật, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở nước ngoài về (từ 7 đến 9 tuổi) có thể vào học lớp 1. Trẻ cư ngụ tại quận huyện khác nhưng có cha, mẹ là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại quận 10, nếu còn chỗ, sẽ được xét duyệt.
Ở lớp 6, điểm xét tuyển vào công lập là 16 điểm. Từ ngày 1 đến 11-7, HS đăng ký nhập học theo phân tuyến. Riêng trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Văn Tố tuyển 175 HS có điểm chuẩn từ 16 trở lên, là HS giỏi lớp 5; trường sẽ xét tuyển từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Từ ngày 20 đến 30-7, Phòng Giáo dục quận 10 nhận hồ sơ chuyển trường từ nơi khác về quận 10.
Hg.L

 

Bình luận (0)