Vào đầu năm học này, sinh viên nhiều trường ĐH, CĐ không chỉ choáng với học phí tăng cao mà còn khổ với nhiều kiểu lách để thu thêm từ học phí tín chỉ.
Mặc dù Bộ GD – ĐT đã có quy định học phí theo từng năm, từng nhóm ngành đào tạo cho trường công lập và có công thức quy đổi từ học phí theo tháng thành học phí trên mỗi tín chỉ nhưng nhiều trường vẫn có nhiều cách để lách, nhằm thu học phí vượt khung.
Chỉ vừa chạm trần!
Sinh viên A.P, vừa đậu vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết năm học trước, học phí mỗi tín chỉ khoảng 80.000 – 95.000 đồng. Với 18 tín chỉ trong năm học đầu, P. tính chỉ đóng tối đa khoảng 1,7 triệu đồng. Thế nhưng khi đóng tiền cho 18 tín chỉ học phần này, trường tính tương đương với 31 tín chỉ học phí nên số tiền P. phải đóng gần 2,5 triệu đồng. Khi P. thắc mắc thì được trường giải thích là tín chỉ học phần khác với tín chỉ học phí, tín chỉ học phần nào mang tính thực hành và mang tính chuyên ngành thì sẽ có số tín chỉ học phí cao hơn. Có tín chỉ học phần tương đương với 2 – 3 tín chỉ học phí.
Sinh viên đóng học phí học kỳ 1 tại một trường ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) năm nay thu 90.000 đồng/tín chỉ. Giải thích về cách tính số tiền trên một tín chỉ, ông Lâm Tường Thoại, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Luật, cho biết Bộ GD – ĐT quy định học phí cho năm học 2011 – 2012 đối với nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật là 355.000 đồng/tháng. Trường dạy theo học chế tín chỉ nên sau khi lấy tổng học phí của toàn khóa học chia cho tổng số tín chỉ toàn khóa (tối thiểu 135 tín chỉ) thì được 90.000 đồng/tín chỉ. Ông Thoại thừa nhận với mức thu này, học phí sau khi quy đổi vừa chạm trần 355.000 đồng.
Trong khi đó, cũng đào tạo khối ngành kinh tế, Trường ĐH Kinh tế TPHCM lại thu 120.000 đồng/tín chỉ. Riêng học kỳ hè được nâng lên thành 180.000 đồng/tín chỉ.
“Hợp thức hóa” tăng học phí
Trong khi các trường công lập xoay xở để đưa mức học phí vượt trần thì các trường ngoài công lập dùng cách tính học phí theo học chế tín chỉ để “hợp thức hóa” việc tăng học phí.
H., sinh viên năm thứ 2 ngành công nghệ thông tin của Trường CĐ Kinh tế Công nghệ TPHCM ,vô cùng bất ngờ khi được thông báo áp dụng tính học phí theo tín chỉ năm học này. Theo đó, học phí một học kỳ từ 3 triệu đồng của năm ngoái tăng lên 4,6 triệu đồng cho năm nay. H. cho biết mỗi tín chỉ giá khá cao và còn phân ra tín chỉ lý thuyết là 180.000 đồng, tín chỉ thực hành 220.000 đồng. Sinh viên này bức xúc: “Ngành này, học phần lớn phải thực hành thì hiển nhiên học phí phải đóng không thể thấp với cách chia ra thực hành và lý thuyết, trong khi nhiều ngành khác vẫn thu theo học chế học phần”.
Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM tăng học phí trên mỗi tín chỉ từ 350.000 đồng lên 385.000 đồng. Về lý thuyết, con số tăng có vẻ không đáng kể nhưng N.A, sinh viên năm thứ 4, cho biết năm học này phải đóng khoảng 15 triệu đồng (tăng khoảng 3 triệu so với năm ngoái). “Cứ mỗi lần nhìn học phí trên mỗi tín chỉ nhích lên, sinh viên lại hồi hộp. Dù số tiền tăng lên trên mỗi học phí chỉ 20.000 – 30.000 đồng nhưng tính cả năm lại tăng lên mấy triệu đồng” – N.A bức xúc.
|
Phụ phí cao gấp 7 lần học phí
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TPHCM vừa thông báo học phí cho học viên cao học chuyên ngành báo chí khóa 2008 – 2011. Theo đó, năm nay, học viên là cán bộ Nhà nước đóng 13 triệu đồng, gồm 2 triệu học phí và 11 triệu phí phát sinh; các học viên khác đóng 17 triệu đồng, gồm 2 triệu đồng học phí, 4 triệu đồng phí hỗ trợ đào tạo và 11 triệu là kinh phí phát sinh. Như vậy, với đối tượng này, số tiền ngoài học phí cao hơn gấp 7 lần học phí.
Bà Trần Thị Mai, Trưởng Phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, giải thích do đây là chương trình đào tạo liên kết với Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nên học viên không phải là cán bộ Nhà nước thì thu thêm 4 triệu đồng phí hỗ trợ đào tạo là theo quy định của Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Còn 11 triệu đồng phí phát sinh là bao gồm tiền đi lại, vé máy bay, ăn ở… cho giảng viên từ ngoài Hà Nội vào. Mức 11 triệu đồng cũng là tạm thu, vì tùy theo giá cả vé máy bay… mà số tiền này có thể cao hoặc thấp hơn. Học chương trình liên kết là như vậy nên học viên phải chấp nhận.
|
Theo Minh Quyên
(NLĐ)
Bình luận (0)