Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch Đà Nẵng: “Khát” nhân lực ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm Đà Nẵng đón hàng ngàn lượt khách du lịch quốc tế nhưng HDV biết ngoại ngữ còn rất hạn chế

Nguồn nhân lực hướng dẫn viên (HDV) ngoại ngữ tại Đà Nẵng đang là một con số khá khiêm tốn, thậm chí có ngoại ngữ số lượng HDV chỉ đếm trên đầu ngón tay!

1.Theo báo cáo, trong vòng 5 năm (từ năm 2011 đến 2016), tốc độ tăng trưởng bình quân của khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 20,14%, tổng doanh thu tăng bình quân 30,7%. Riêng năm 2015, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt 4,68 triệu lượt, đứng thứ 4 so với các địa phương trong cả nước, trong đó khách quốc tế đạt 1.267.000 lượt. Tính đến cuối năm 2015, Đà Nẵng có 74 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng vốn đầu tư 8,420 tỷ USD, trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1,208 tỷ USD và 58 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 151.452 tỷ đồng. Hình ảnh và thương hiệu của du lịch Đà Nẵng đối với thị trường trong nước và quốc tế đã có một chỗ đứng nhất định. Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, ngoài các điểm đến hấp dẫn, đặc sản, văn hóa… đội ngũ HDV đóng một vai trò khá quan trọng trong việc làm nhịp cầu nối đưa du khách đến gần hơn với địa phương, đặc biệt là với du khách quốc tế. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TTDL Đà Nẵng nhìn nhận, nguồn nhân lực du lịch của Đà Nẵng hiện chưa đáp ứng nhu cầu và chưa chuyên nghiệp. Khi Việt Nam gia nhập AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) thì phải thực hiện việc thừa nhận nghề du lịch lẫn nhau. Một nguồn nhân lực không nhỏ của nước ngoài có lợi thế về ngoại ngữ sẽ đến làm việc tại Việt Nam và Đà Nẵng. Nếu như lao động Việt Nam cũng như Đà Nẵng không thông thạo ngoại ngữ thì có thể thua ngay trên sân nhà, và đương nhiên là không thể sang nước khác làm việc. Ông Chiến cho biết thêm, chỉ tính tiêng về nguồn lực HDV, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Hiện ngành du lịch Đà Nẵng có 897 HDV tiếng Việt và 1.285 HDV quốc tế, trong đó HDV tiếng Anh có 616 người, HDV tiếng Lào chỉ có 1 người, 21 HDV nói tiếng Hàn…

Hiện ngành du lịch Đà Nẵng có 897 HDV tiếng Việt và 1.285 HDV quốc tế, trong đó HDV tiếng Anh có 616 người, HDV tiếng Lào chỉ có 1 người, 21 HDV nói tiếng Hàn… 

2.Với phép so sánh nhỏ, ông Trần Trà, Chủ nhiệm CLB HDV du lịch Đà Nẵng dẫn chứng: Chỉ so sánh khách du lịch đến từ hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc, thì khách Hàn Quốc bằng khoảng 70% khách Trung Quốc, trong khi đó, số lượng HDV tiếng Hàn chỉ bằng 6% so với HDV tiếng Trung. Trong khi đó, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng có khoảng 300 sinh viên học tiếng Hàn chuẩn bị ra trường và hàng năm có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, không phải tất cả các sinh viên trên ra trường đều làm HDV du lịch tại Đà Nẵng, mà chỉ có số ít tham gia vào môi trường du lịch, đa phần còn lại đầu quân vào công ty liên doanh. Thiếu HDV tiếng Hàn, trong khi khách Hàn đến Đà Nẵng ngày càng tăng khiến cho nhu cầu về HDV tiếng Hàn luôn trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. “Việc mở các đường bay trực tiếp từ nước ngoài đến Đà Nẵng đã giúp cho số lượng khách đến Đà Nẵng tăng lên rõ rệt mỗi năm, đặc biệt là khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng số lượng HDV luôn trong tình trạng không đáp ứng đủ, đặc biệt những thời điểm khách tàu biển đến cảng Đà Nẵng hoặc Chân Mây thì việc tìm HDV lại càng khó khăn gấp bội”, ông Trà trăn trở. Ông Trà cũng đặt ra vấn đề: Hiện tại trên địa bàn Đà Nẵng có vài cơ sở đào tạo HDV cấp tốc. Điều này dẫn đến hệ quả chất lượng HDV kém, không đủ thời gian bồi dưỡng kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân chất lượng dịch vụ HDV của Đà Nẵng kém so với các nơi khác? Từ đó ông Trà nêu ý kiến cần phải có quy trình đào tạo bài bản để bổ sung nguồn lực HDV chất lượng.

3.Tìm hướng đi cho du lịch Đà Nẵng trong quá trình hội nhập, ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, với quá trình hội nhập ngày càng tăng, Đà Nẵng sẽ là điểm đến cạnh tranh với các điểm đến khác không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch nước ngoài sẽ trực tiếp tham gia kinh doanh và cạnh tranh ngay trên sân nhà sẽ là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Đà Nẵng và đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành. Giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được điều này, Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng du lịch. Cụ thể: đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ nhân viên phục vụ ngành du lịch; Đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với tình hình thực tế; Thành lập trung tâm sát hạch chất lượng nhân lực du lịch và tiến hành khảo sát, thống kê cung cấp thông tin về nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo…

Bài, ảnh: Phan Lệ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)