Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch Đà Nẵng vẫn đìu hiu sau một tháng hoạt động lại

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn một tháng mở cửa trở lại, các điểm du lịch ở Đà Nẵng vẫn trong tình trạng thưa thớt người dân và du khách "check in"…
Bán đồ lưu niệm tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đã nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ, bà Lương Thị Mai (sinh năm 1968, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lại thấy nơi đây vắng vẻ đến vậy. Mỗi ngày, bà Mai nhẩm đếm chỉ có một vài người ghé đến đây tham quan.
Kinh tế gia đình phụ thuộc phần lớn vào việc bán hàng lưu niệm tại đây, khi dịch bệnh bùng phát, khách nội địa cũng như khách quốc tế "vắng bóng" cuộc sống của bà gặp không ít khó khăn.
Hay tin thành phố cho phép các điểm du lịch được mở cửa đón khách nội địa trở lại, bản thân đã tiêm 2 mũi vắc xin nên bà Mai nhanh chóng dọn dẹp lại hàng quán và buôn bán trở lại.
Một ngày Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn chỉ có vài du khách đến tham quan
"Tôi bán trở lại được 2 tuần rồi, nhưng khách đến tham quan rất ít, chủ yếu là người dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam thôi", bà Mai than thở.
Tại khu vực bán hàng lưu niệm tại lối lên Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, ngoài bà Mai còn có 2 hàng quán khác đã buôn bán trở lại. Còn lại các quầy đa phần vẫn trong tình trạng "phủ bạt".
"Nhà tôi ở gần đây nên mới ra dọn dẹp để bán lại thôi, những người ở xa vẫn nghỉ bán. Tôi mong dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để việc buôn bán được thuận lợi", bà Mai chia sẻ.
Các quầy bán hàng lưu niệm tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trong tình trạng "phủ bạt" 
Cùng chung tình cảnh như Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, cầu Tình yêu, chùa Linh Ứng… dù đã mở cửa hoạt động trở lại và miễn phí vé tham quan nhưng vẫn thưa thớt người dân và du khách ghé đến.
Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng, chủ trương của thành phố trong việc ban hành phương án đón khách nội địa và quốc tế đến với Đà Nẵng là một tín hiệu rất lạc quan sau một thời gian dài rất nhiều dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố phải đóng cửa bị ảnh hưởng do Covid-19.
Ngoài ra, đây cũng là mùa thấp điểm của Đà Nẵng, mùa này vào các năm thành phố cũng không đông khách. Cho nên, việc mở cửa lúc này có vai trò tạo đà cho mùa đón khách từ giáng sinh trở đi.
Tuy nhiên, lộ trình đó có thu hút được khách hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Như tâm lý du khách vẫn còn quá dè dặt khi đi du lịch; lộ trình và khả năng kiểm soát dịch bệnh của thành phố; thu nhập của khách du lịch bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bảo tàng Chăm Đà Nẵng cũng trong tình trạng "vắng như chùa bà Đanh"
Bên ngoài Bảo tàng Chăm bảng thông điệp 5K, cùng mã QR để du khách khai báo y tế
Cũng theo ông Dũng, Hiệp hội Du lịch thành phố đã thông báo và khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký lộ trình mở cửa để cung ứng dịch vụ phục vụ du khách, vừa đảm bảo hiệu quả, tránh thiệt hại lãng phí tài nguyên của doanh nghiệp. 
"Đến thời điểm này, có hơn 90% doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố là vẫn chưa mở cửa. Hiện doanh nghiệp mở cửa phải cân nhắc việc sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng, chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu…. Nếu nguồn khách không đảm bảo, doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ mở cửa và sẵn sàng mở cửa tùy theo tiến độ phục hồi nguồn khách", ông Dũng cho hay.
Cầu Tình yêu cũng vắng vẻ khách tham quan
Cũng theo Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng, du lịch chỉ phục hồi bền vững khi đã phủ đủ, phủ đầy vắc xin và có thuốc đặc trị, đồng thời cơ quan y tế công bố dịch Covid-19 không còn tác động quá lớn đối với sức khỏe người dân.
"Trong kịch bản lạc quan nhất, cũng phải đến năm 2024, chúng ta mới có thể quay lại được như năm 2019, còn nếu như dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì chắc phải năm 2025", ông Dũng nhấn mạnh.
Nguyễn Tri (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)