Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch ĐBSCL: Cần nhiều sản phẩm mới và tránh trùng lặp

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 6-6-2023, tại TP.Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tổ chức họp mặt Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (6-6-2008/ 6-6-2023).


Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, phát biểu tại buổi hop mặt

ĐBSCL có tổng diện tích hơn 40.000 km2, tổng dân số hơn 17,3 triệu người. Vùng châu thổ nằm ở hạ lưu sông Mékong này là đồng bằng lớn thứ 3 thế giới, là khu vực có diện tích đất ngập nước lớn nhất Việt Nam, nơi sinh sống của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Với đặc điểm địa lý và đặc trưng văn hóa, thế mạnh du lịch nơi đây chủ yếu là du lịch sinh thái sông nước và sinh thái ven biển, kết hợp những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của vùng sông nước.


Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ, trình bày tham luận

Qua chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, tuy có khó khăn về tổ chức bộ máy, kinh phí và kinh nghiệm hoạt động, nhưng với sự phấn đấu vươn lên, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL từng bước ổn định, thực hiện tốt quyền hạn nhiệm vụ của mình theo Điều lệ và đóng góp vào sự phát triển của du lịch toàn vùng. Năm 2008 tổng số khách đến ĐBSCL là 9,2 triệu lượt, tăng lên 47 triệu lượt vào năm 2019, doanh thu năm 2008 là 2 ngàn tỉ đồng đã tăng lên 30 ngàn tỷ đồng vào năm 2019. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch đã trở lại bình thường như trước dịch. Năm 2022 tổng khách đến ĐBSCL ước đạt hơn 40 triệu lượt, tăng gấp 3 lần so với năm 2021, doanh thu ước đạt 32,5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.

Theo ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, hoạt động hiệp hội ngày càng thiết thực. Hiệp hội tham dự hầu hết các hoạt động do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch, các sở quản lý du lịch và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố trong nước tổ chức (đại hội, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội nghị, hội chợ, lễ kỷ niệm…). Trong đó đã tham gia cùng các đoàn Famtrip khảo sát, quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch ĐBSCL với các tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời đã chủ trì tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá du lịch ở Campuchia, Thái Lan (2015), Đài Loan (2017), HongKong -Trung Quốc (2018), Hàn Quốc (2019), Nhật Bản (2023)…


Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL trao quyết định công nhận điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2023

Hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối thành công 2 chương trình hợp tác tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phía tây và phía đông ĐBSCL, tham gia chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tổ chức khảo sát, thẩm định và công nhận 53 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, trong đó An Giang 4 điểm, Bạc Liêu 11 điểm, Bến Tre 9 điểm, Cần Thơ 8 điểm, Đồng Tháp 6 điểm, Kiên Giang 3 điểm, Sóc Trăng 1 điểm, Tiền Giang 1 điểm, Trà vinh 4 điểm, Vĩnh Long 6 điểm; các điểm DL tiêu biểu từng bước phát huy tác dụng, góp phần tích cực vào phát triển sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến ĐBSCL.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần phát triển nhanh và bền vững du lịch vùng ĐBSCL; trong đó ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ kiến nghị: “Với vai trò điều phối hoạt động du lịch ĐBSCL, Hiệp hội cần sớm định hướng và  xây dựng chương trình lâu dài một số sự kiện lớn để triển khai các giải pháp phát triển du lịch để các địa phươg xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tham gia chương trình, huy động được các địa phương cùng tham gia. Tăng cường công tác liên kết, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, đặc trưng của từng địa phương, nhằm tạo ra tour – tuyến du lịch hấp dẫn; liên kết với các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh quảng bá, để thu hút khách du lịch”.


Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ghi nhận và biểu dương những cống hiến của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đồng thời cho rằng: “Thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành ĐBSCL đang phấn đấu đưa du lịch ĐBSCL xứng đáng là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên các tỉnh, thành cần xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy những điều kiện thuận lợi, khai thác hợp lý tài nguyên đặc trưng, nhằm mang đến du khách những trải nghiệm mới, tránh trùng lắp, từ đó kết nối xây dựng các tour du lịch, các loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch biển – đảo, du lịch sinh thái sông nước đô thị, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); Du lịch văn hóa – tham quan các di tích lịch sử – văn hóa, Du lịch tâm linh; Du lịch cộng đồng…

TP.Cần Thơ mong Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 15 năm qua; tiếp tục hỗ trợ các địa phương công tác quảng bá, kết nối, liên kết phát triển du lịch với các đơn vị kinh doanh, cung ứng dịch vụ du lịch trên cả nước nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, trên cơ sở phát huy tài nguyên du lịch đặc trưng của ĐBSCL để thu hút khách đến với vùng  ngày càng nhiều hơn”.

Tại buổi họp mặt, Hiệp hội đã trao quyết định công nhận 13 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2023.

Dịp này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân; Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tặng giấy khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong  quá trình phát triển của  du lịch ĐBSCL.

Đan Phượng

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)