Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Du lịch đến Vũng Tàu: Khách bị “chặt, chém” vô tội vạ

Tạp Chí Giáo Dục

Buôn bán nhếch nhác tại Bãi Sau (KDL Biển Đông)
Thời tiết đầu xuân khá đẹp đã thu hút lượng khách các tỉnh bạn đổ về du xuân tăng đột biến tại thành phố biển Vũng Tàu. Bởi vậy, giá phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn và các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống… đã tha hồ “chặt, chém” du khách một cách vô tội vạ.
Tăng giá nhưng vẫn hút khách
Ông Lê Thanh Lâm, Phó giám đốc Khu du lịch (KDL) Biển Đông, thành phố Vũng Tàu cho biết: “270 phòng của KDL này đã kín chỗ từ mùng 2 đến 11 Tết, giá phòng dao động 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/phòng. Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 6.000 ghế bố và hàng chục ngàn chiếc dù, trang bị lều bạt để du khách thuê nghỉ trong rừng dương của KDL nhằm giải quyết tình trạng phòng ở quá tải”. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các bãi tắm khác, do tăng đột biến nên nhiều du khách phải ngồi nghỉ ngay dưới bãi cát mặc nắng gió phả vào người. Tại các KDL, bãi tắm như: Hàng Dương, Hồ Cốc, Hồ Tràm Beach resort & Spa (huyện Xuyên Mộc), Lộc An, Thùy Dương (huyện Đất Đỏ), Anoasis, Long Hải Beach (huyện Long Điền) và các khách sạn ở thành phố Vũng Tàu như Palace (đường Nguyễn Trãi, 118 phòng), khách sạn Bưu Điện (đường Quang Trung, 72 phòng) đều được khách đặt chỗ kín mít từ mùng 2 Tết. Khu vực xa trung tâm hơn như KDL và khách sạn Thùy Vân… trong những ngày Tết cũng luôn trong tình trạng kín phòng. Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Bình Châu, ông Trịnh Ngọc Việt cho biết: “Mấy ngày Tết vừa qua có khoảng 10.000 lượt du khách đến KDL suối khoáng nóng Sài Gòn – Bình Châu, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm nay lượng khách đi xe máy về đây du xuân khá đông, chủ yếu là khách nội tỉnh và TP.HCM, Bình Thuận đổ về. Nhiều du khách sẵn sàng sử dụng các dịch vụ cao cấp như tắm bùn, tắm khoáng nóng… Tổng doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng”.
Tha hồ “chặt, chém”!
Có mặt tại khu vực Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu chiều mùng 4 Tết, chúng tôi “choáng ngợp” trước lượng du khách đến đây tắm biển, trong đó khách đi xe gắn máy chiếm khoảng 80%. Theo khảo sát của chúng tôi, từ chiều mùng 2 Tết, lượng phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn tuy vẫn còn trống nhưng giá đã được đẩy lên khá cao, gấp đôi, gấp ba ngày thường. Cụ thể, một phòng trọ bình dân tại khu vực bãi tắm Thùy Vân (gồm 2 giường đôi, 1 chiếc quạt máy, 1 ti vi, không có máy nước nóng) giá 250.000 đồng/1 ngày đêm; phòng máy lạnh giá 400.000 đồng/1 ngày đêm. Trong khi giá của những phòng này ngày thường chỉ khoảng 120.000-180.000 đồng/phòng. Các chủ nhà nghỉ, khách sạn mi ni đều từ chối việc đặt phòng trước mấy ngày và cũng không cho khách thuê dài ngày vì còn căn cứ vào lượng khách để làm giá vào những ngày tới.
Giá phòng một khách sạn mi ni trên đường Phan Văn Trị (gồm 2 giường, máy lạnh, máy nước nóng, ti vi) là 500.000 đồng/phòng 4 người (tối mùng 2); nếu ở 8 người, được cấp thêm nệm với giá 800.000 đồng. Nhân viên khách sạn này cho biết: “Ngày mùng 3, phòng này tăng lên 900.000 đồng và mùng 4 có thể lên hơn 1.000.000 đồng. Trong khi đó, một số nhà nghỉ khác ở đường Thùy Vân ngày mùng 2 có giá 600.000 đồng trở lên/phòng 2 giường. Các nhà trọ, nhà nghỉ ở đây còn cho thuê theo giờ với giá trung bình khoảng 300.000-400.000 đồng cho thời gian từ sáng đến trước 5 giờ chiều. Ngay cả một số khách sạn có “sao” cũng tăng giá. Khách sạn Thùy Vân giá 1.000.000/phòng 2 người (bao gồm suất ăn sáng buffet), tăng hơn ngày thường khoảng 20% và gần 1,4 triệu đồng/phòng 4 người. Đại diện một số khách sạn lớn khác ở khu vực Bãi Sau cũng thừa nhận có điều chỉnh giá phòng tăng từ 20% đến 50% so với ngày thường.
Giá khách sạn, nhà nghỉ đã vậy, còn giá gửi xe máy và mũ bảo hiểm thì tăng vô tội vạ. Sáng mùng 7 Tết, giá giữ xe máy tại bãi tắm Đông Nam (Công ty TNHH Đông Nam thuê lại của khách sạn Tháng Mười) thu 5.000 đồng/xe (mũ bảo hiểm tính riêng), dù có công bố bảng giá chỉ là 2.000 đồng/xe. Tại bãi tắm Biển Xanh nhân viên giữ xe “hét” giá 10.000 đồng/xe và 1 mũ bảo hiểm. Khi chúng tôi thắc mắc, chị nhân viên này giải thích là do ngày Tết và năm nay giá thuê mặt bằng giữ xe cũng tăng, cuối cùng, chúng tôi cũng phải trả đúng giá 15.000 đồng (thêm một mũ bảo hiểm). Điều đáng nói là bãi giữ xe này khi đó không công bố bảng giá giữ xe.
Dạo quanh KDL Biển Đông, Thùy Vân chúng tôi gặp rất nhiều du khách bức xúc. Chị Nguyễn Thị Thu Hà nhà ở đường Vĩnh Khánh, quận 4, TP.HCM bực bội: “Trước khi đi tôi cùng gia đình đều xác định giá cả sẽ tăng, khi xuống tới nơi ai dè… Rác thải của khách đầy bãi biển. Vào quán ăn, khách ra tận bể chỉ cá, chọn tôm nhưng khi chế biến xong, mang lên tôm luộc thì đen đầu (do chết và ướp nước đá từ trước), còn cá thì không thể ăn được vì tanh và mặn”. Để chống nạn “chặt chém” du khách đến du xuân ở thành phố biển đầu năm, ông Trần Bá Việt, Phó chủ tịch UBND phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu cho biết: “Sau khi UBND tỉnh và thành phố Vũng Tàu có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát việc tăng giá đột biến của các khách sạn, nhà nghỉ… lãnh đạo và các phòng chức năng của phường đã kết hợp với các cơ quan, ban ngành của thành phố chia làm nhiều tổ công tác đến từng hộ kinh doanh lưu trú, ăn uống trên địa bàn phường kiểm tra việc niêm yết giá và nhắc nhở các hộ kinh doanh không được nâng quá giá niêm yết. Việc kiểm tra, nhắc nhở sẽ được tiến hành liên tục, thường xuyên nếu phát hiện hộ kinh doanh, nhà nghỉ nào tăng giá không đúng cam kết sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”.
Lê Quang Huy

Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý Các KDL thành phố Vũng Tàu cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 ngày từ 3-2 đến 7-2-2011 (từ mồng 1 đến 5 Tết Tân Mão), toàn tỉnh đón trên 300.000 lượt khách du lịch đến tắm biển, vui chơi, nghỉ dưỡng và chắc chắn trong thời gian tới lượng khách sẽ tiếp tục tăng. Nhận định chung của các doanh nghiệp, trong khoảng thời gian trên các khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh, giá phòng tăng từ 20% đến 65%”.

 

Bình luận (0)