Xác định phát triển du lịch đường thủy là điểm mạnh của du lịch Đà Nẵng, nhiều bến tàu đã được xây dựng dọc các dòng sông từ trung tâm thành phố đến các xã thuộc huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, trải qua 6 năm, đến nay bến vẫn đang trong tình trạng chờ tàu.
Bến tàu phục vụ khách du lịch tham quan tuyến Hòa Vang được đầu tư xây dựng quy mô nhưng đến nay vẫn bỏ hoang
1. Năm 2017, UBND TP.Đà Nẵng ra quyết định ban hành kế hoạch đầu tư phát triển hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Việc đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách đường thủy nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP.Đà Nẵng. Thực hiện quyết định này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng triển khai thi công 3 cầu tàu gồm: cầu tàu K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), Túy Loan (xã Hòa Phong) và Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Các bến tàu được xây dựng, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế cho người dân sống gần các bến tàu một khi khách du lịch đến trải nghiệm các dịch vụ, tham quan. Tuy nhiên, suốt gần 6 năm qua, các bến tàu này vẫn chưa đón chuyến tàu du lịch nào.
Có mặt tại bến tàu Túy Loan (xã Hòa Phong), chúng tôi ghi nhận tình trạng bến tàu lâu ngày bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, xung quanh đó còn có nhiều rác thải; lối dẫn xuống bên tàu bị chắn bởi ta luy âm… tạo nên không gian cảnh quan nhếch nhác. Bến tàu tại Làng du lịch sinh thái thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cũng trong tình cảnh… chờ tàu. Mặc dù bến tàu này đã được đầu tư xây dựng bề thế, có nhà chờ phục vụ đón khách. Do lâu ngày không thực hiện công năng, ít được chăm sóc nên sau những trận mưa lũ lớn, một lượng bùn dày bám đầy các bậc thang xuống bến, nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp…
Nhà chờ phục vụ khách du lịch cũng trong tình trạng bỏ hoang
Theo người dân ở Túy Loan, sau khi bến tàu được xây dựng, có một vài chuyến tàu du lịch cỡ nhỏ ghé qua. Tuy nhiên sau đó vắng hẳn. Bến bỏ hoang. Một trong những nguyên nhân bến vắng tàu một phần do quá trình khảo sát xây dựng bến tàu lộ ra vài điểm khá bất cập. Các cây cầu được xây dựng từ lâu trên tuyến đường sông của huyện Hòa Vang có thiết kế chiều cao khá thấp, vì vậy tàu du lịch cỡ lớn không thể đi qua được.
Để đưa du khách đến Túy Loan và Thái Lai, tàu du lịch phải đi qua dòng sông Túy Loan. Nơi đây, hiện có 2 cây cầu cũ là cầu Túy Loan (cũ) và cầu Giăng với độ cao tĩnh không bình quân chỉ có 3,5 mét. Trong khi đó, tàu du lịch cỡ lớn có chiều cao 4,5 mét nên không thể nào di chuyển qua cầu được.
2. Theo ông Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), sau khi huyện được bàn giao các cầu tàu trên sông Túy Loan thì đã tiến hành khảo sát du lịch đường thủy nhằm xây dựng hướng phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, quá trình khảo sát đã phát hiện nhiều bất cập. Các tàu du lịch từ sông Hàn (trung tâm thành phố) muốn đưa khách lên địa bàn huyện, cập bến các cầu tàu trên thì sẽ bị vướng bởi đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, cầu Túy Loan cũ và cầu Giăng. UBND huyện Hòa Vang đã có báo cáo gửi các sở, ngành của thành phố để xin ý kiến, phương án xử lý. Do các cây cầu trên được xây dựng từ trước nên việc phá đi xây lại là phương án bất khả thi. Ông Dũng cho rằng, để xảy ra các bất cập này, một nguyên nhân phải kể đến là các đơn vị trong quá trình triển khai khảo sát chưa kỹ, đánh giá chưa hết hiện trạng.
Để giải quyết bất cập này, huyện cũng đưa ra phương án kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tàu du lịch cỡ nhỏ, hình thành tour tuyến du lịch đường thủy kết nối với các điểm du lịch địa phương, kích thích phát triển kinh tế. Đây là tour tuyến được đánh giá có sức hấp dẫn du khách, thay vì đi bằng các phương tiện giao thông đường bộ thì du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan hai bên bờ sông, nhìn ngắm các làng quê với những người nông dân miệt mài gieo trồng trên các bãi bồi phù sa. Từ các bến tàu đó, du khách có thể thoải mái tham quan di tích đình làng Túy Loan – di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, làng rau sạch Túy Loan; làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai, làng nghề bánh tráng truyền thống hàng trăm năm vẫn đỏ lửa, nhiều quán mỳ Quảng đặc trưng xứ Quảng… những nơi mang đậm sắc màu làng quê Việt.
3.Được đánh giá du lịch thủy nội địa đến các làng quê của huyện Hòa Vang có rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên việc không khớp nối của cơ sở hạ tầng khiến hướng đi này đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người dân vẫn mong chờ một giải pháp để có thể phát triển kinh tế từ thế mạnh này.
Hướng đến phát triển kinh tế từ du lịch cộng đồng cũng như khắc phục những khó khăn hiện tại, ông Dũng cũng cho biết, huyện đã chủ động đầu tư kinh phí để thành lập và duy trì các câu lạc bộ bài chòi để biểu diễn phục vụ du khách trong thời gian tới. Với các hoạt động đa dạng, đặc trưng thu hút du khách, khi tour du lịch đường thủy nội địa được lưu thông, tin chắc người dân Hòa Vang sẽ ngày càng phát triển thế mạnh quê xứ của mình.
Hàn Giang
Bình luận (0)