Khách tham quan điểm du lịch Quan Sơn (Mỹ Đức). Ảnh: Hoàng Lan |
Hà Nội luôn được du khách quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Ngoài ưu thế dày đặc các di tích, danh thắng lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến, từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội nổi lên là địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lễ hội và làng nghề.
Thêm vào đó, Thủ đô Hà Nội mới có tới gần 5.000 di tích, danh thắng lịch sử, trong đó có 2.104 di tích đã được xếp hạng (765 di tích quốc gia) như: Thành Cổ Loa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Hương, chùa Tây Phương, làng Việt cổ Ðường Lâm… Theo ông Tiến, cùng với những giá trị lịch sử, du lịch Hà Nội đang tập trung hướng tới loại hình du lịch văn hóa. Tiềm năng này được những người làm du lịch đánh giá cao và đặt hy vọng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu lựa chọn.
Những chuyển biến của ngành du lịch Hà Nội sau khi địa giới Thủ đô mở rộng đã được thể hiện cụ thể ở việc thu hút khách du lịch. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2009, mặc dù lượng khách quốc tế đến Hà Nội có sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và dịch cúm A/H1N1 nhưng khách nội địa lại tăng khoảng 20% so với năm 2008.
Tuy nhiên, để thu hút ngày càng đông đảo du khách, ngành du lịch Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. Trước đây, mỗi địa phương Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều có những đề án quy hoạch riêng phát triển du lịch. Nhưng hiện nay, hai đề án quy hoạch này phải gộp làm một và phải phát huy thế mạnh du lịch của Thủ đô Hà Nội. Do đó, trước mắt, ngành du lịch Hà Nội đang nghiên cứu, rà soát lại thực trạng, chú trọng khu địa giới mở rộng để xây dựng lại quy hoạch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đang được đặt lên hàng đầu. Vào thời điểm này, Sở VH-TT&DL Hà Nội đang tập trung xúc tiến quảng bá cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Năm du lịch quốc gia 2010. Đây là sự kiện quan trọng tạo đà cho du lịch Hà Nội phát triển trong những năm tiếp theo.
Thu Trang(HNM)
Bình luận (0)