Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Du lịch hè: Miền Trung hút khách

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa du lịch hè đã chính thức khởi động từ tháng 5 nhưng phải đến đầu tháng 7 các công ty du lịch mới có thể nhẹ người vì chờ đợi khách! Trong khi doanh nghiệp (DN) nhỏ đang vật lộn tìm khách thì lợi thế có vẻ đang thuộc về các DN du lịch lớn.

Giá vừa phải

Theo các công ty du lịch, mùa du lịch hè năm nay khởi động khá chậm, do khó khăn kinh tế. Không như mùa du lịch hè năm 2011, dù đã khởi động từ tháng 5 nhưng mãi đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 lượng khách đăng ký mua tuyến mới nhích lên. Đến thời điểm này, lượng khách đăng ký cho cao điểm tháng 7 và tháng 8 đã có nhưng không bằng so với cùng kỳ năm rồi. Các tuyến nội địa gần, có giá vừa phải được du khách lựa chọn nhiều hơn. Với giá khuyến mãi, kích cầu được các công ty du lịch bán ở thời điểm hiện nay, nhiều tuyến đi miền Bắc giảm hơn 3 triệu đồng/tuyến, tuyến miền Trung giảm hơn 2 triệu đồng/tuyến, Phú Quốc giảm hơn 1 triệu đồng/tuyến so với giá cũ. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị – Truyền thông Vietravel cho biết, ở mùa du lịch hè năm 2011, dù không có nhiều khuyến mãi nhưng lượng khách đăng ký đã tăng từ đầu hè, tuyến đi miền Bắc được khách chọn nhiều hơn, rồi đến miền Trung, Phú Quốc, Côn Đảo. Năm nay, tình hình đăng ký tuyến rải đều, cơ cấu chọn tuyến thay đổi, miền Trung hút khách nhất, đến miền Bắc, rồi đến các đảo. Tuyến đi các tỉnh miền Trung được chọn nhiều vì có giá vừa phải, thời gian tuyến 5 ngày đi về bằng máy bay nhưng giá tuyến khuyến mãi đi miền Trung chỉ khoảng 6 đến 6,5 triệu đồng so với giá khoảng 8 – 8,5 triệu đồng của tuyến miền Bắc. Chọn tuyến miền Trung sẽ tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, ngoài ra, các tỉnh miền Trung có biển, phù hợp với lựa chọn của khách trong dịp hè.

Du khách đi tuyến miền Trung tăng cao trong dịp hè. Ảnh: Thái Bằng

Do vậy, dù đang vào cao điểm hè nhưng hiện nay các đường bay TPHCM – Hà Nội vẫn còn nhiều chỗ. Theo đánh giá của các công ty du lịch, vé máy bay từ TPHCM đi Hà Nội có nhiều. Trong khi đó, đường bay đi Phú Quốc lại thiếu vé vì có nhiều khách mua. Giữa tháng 8, đối tượng chính của du lịch hè là học sinh sẽ nhập học trở lại. Hiện nay, các công ty du lịch đang nỗ lực để thu hút khách trong hai tháng 7 và 8.

Doanh nghiệp lớn có lợi thế!

Nhu cầu du lịch đang có xu hướng giảm. TPHCM vốn là địa bàn trọng điểm về du lịch nhưng số công ty có mức tăng trưởng vẫn ở mức rất hạn chế. Giá tuyến hiện nay có chiều hướng ngày càng giảm trong khi mọi chi phí đều tăng. Hiện nay các công ty du lịch nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn so với các DN lớn. Trong khi lượng khách đăng ký tại các DN lớn đang nhỉnh lên thì các công ty du lịch nhỏ vẫn khó kiếm được khách, dù là tuyến kích cầu. Điều tạo nên khác biệt này do ở chính sách khuyến mãi, giảm giá. Ngay từ tháng 4-2012, để chuẩn bị cho mùa du lịch hè, các DN du lịch lớn như Vietravel, Saigontourist, Fiditour… đã đầu tư nhiều tỷ đồng, kết hợp với các đối tác dịch vụ, hàng không xây dựng chương trình khuyến mãi, giảm giá riêng để kích thích thị trường du lịch vốn đang rơi vào tình trạng khủng hoảng chung về sức mua. Vietravel có tỷ lệ tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ 2011. Saigontourist triển khai các tuyến du lịch tiết kiệm từ 16% – 35% so với tuyến thông thường. Riêng thị trường khách nội địa, trong tháng 6-2012, Saigontourist đón 24.251 khách, tăng 38%. Fiditour triển khai chương trình siêu khuyến mãi hè 2012 với các chương trình giảm giá trực tiếp, ưu đãi đến 20%. Nguyên nhân chính tạo nên sự tăng trưởng trái chiều cho các DN du lịch lớn hiện nay do chính sách giảm giá, uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, chương trình kích cầu du lịch nội địa do Hiệp hội Du lịch TPHCM kết hợp với các hãng hàng không thực hiện chưa thật sự hiệu quả, nhất là với DN nhỏ. Vietnam Airlines (VNA) đồng ý bán vé máy bay giá rẻ cho 18 DN lữ hành tham gia chương trình, Vietjet Air (VJA) đồng ý cho 29 DN (trong đó có 18 DN được mua của VNA). Thế nhưng, sau 2 tháng triển khai, đến nay chỉ có khoảng 6 DN khai thác được vé của VNA và 2 DN khai thác vé VJA, chủ yếu là DN lớn. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ TPHCM, Phó Trưởng nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa nhận xét, việc có ít DN trong nhóm khai thác được vé giá rẻ để bán tuyến kích cầu là do nhiều DN chưa quen với cách bán tuyến kích cầu. Để bán được tuyến này, DN phải gom được khách, tiên đoán trước lượng khách đoàn để có thể đăng ký vé trước (đăng ký ảo). Nếu không đạt được lượng khách đã đăng ký, trước ngày đặt cọc DN phải hủy đăng ký và hủy nhiều lần sẽ làm mất uy tín vì không bán được, có nguy cơ không được tham gia vào nhóm. Các DN chọn cách an toàn hơn là khai thác bán cho khách lẻ hoặc bán lại cho các hãng lữ hành khác, ấn định ngày giờ đi để quảng bá, kiếm khách. Các DN nhỏ, không có được lượng khách tốt thì khó khai thác được tuyến kích cầu và việc này càng khó hơn khi các DN lớn tung ra nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn hơn rất nhiều để cạnh tranh.

MỸ HẠNH (SGGP)

Bình luận (0)