Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch Indonesia hướng đến Hội nghị cấp cao Đông Á

Tạp Chí Giáo Dục

Quốc đảo Indonesia, nơi rất phong phú về các sản phẩm du lịch nhưng cũng hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố đang nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình trước thêm Hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11 tới.

Chính phủ Indonesia đang cố gắng đưa ngành du lịch đến gần với văn hóa và đời sống của người dân. 

Du lịch giải trí Bali vốn nổi tiếng, nay đang chịu cảnh giảm sút du khách sau các cuộc tấn công khủng bố của các phần tử cực đoan năm 2002 và 2005 khiến 200 người, trong đó phần lớn là du khách thiệt mạng. Vốn là điểm du lịch chính với 1,5 triệu lượt khách mỗi năm, sự sa sút của du lịch Bali đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch ở quốc đảo đông dân nhất Đông Nam Á này. 
Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ được tổ chức tại Bali vào tháng 11 tới (dự kiến có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và khoảng 20  nguyên thủ quốc gia khác), được xem là một trong những cú hích nhằm hồi sinh đảo du lịch Bali. Chính phủ Indonesia muốn thông tin cho toàn thế giới rằng hòn đảo này đã trở lại bình yên và sẵn sàng đón du khách tới nghỉ ngơi một cách an toàn.
Nhờ hoạt động quảng bá và khuyến mãi mạnh, trong quý I/2011, Bali đã thu hút 848.899 du khách nước ngoài, tăng 13,37% cùng kỳ năm ngoái .
Tuy vậy, để tránh sự phụ thuộc vào du lịch Bali, chính phủ Indonesia bắt đầu có những sự thay đổi về chiến lược du lịch của mình, bằng cách chuyển mạnh từ du lịch giải trí sang du lịch văn hóa – sinh thái.
Bà Esthy Reko Astuty Giám đốc Chương trình phát triển của Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia cho biết nước này đang hướng du lịch vào lĩnh vực môi trường, thu hút khách đến với các bảo tàng. Indonesia đang phải tính đến bài toán mà ở đó lợi nhuận từ ngành du lịch không bù đắp được những thiệt hại về môi trường do sự tăng trưởng du lịch gây nên.
Trong khi đó, ngành du lịch ở các nước khu vực Đông Nam Á đang trỗi dậy. Thái Lan nổi bật với các chương trình du lịch bãi biển và du lịch đảo. Malaysia đang khá thành công với chương trình phát triển du lịch dựa trên tinh thần “Malaysia – một châu Á đích thực”. Việt Nam và Campuchia cũng thu nhiều kết quả khả quan với việc mở rộng các điểm du lịch của mình. Lào cũng đang thức giấc sau hai thập kỷ ngủ yên, như một điểm đến mới nổi.  Du lịch Indonesia đứng trước thách thức cạnh tranh toàn cầu.
Chính phủ Indonesia phấn đấu tăng 18,5% số du khách so với năm ngoái, trong đó dự kiến có 700.000-1.000.000 du khách đến từ Châu Âu, sau khi mở đường bay Amsterdam đến Jakarta hồi tháng 6. Sự kết nối đường bay với Hà Lan là nhằm thu hút lượng du khách có sở thích du lịch văn hóa, lịch sử. Họ cũng hi vọng lượng khách đến từ các nước đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng trong tương lai gần. Đường bay thẳng đến Hồng Kông cũng đã được khai thác.
Vườn quốc gia Komondo là một trong bảy địa danh của Indonesia đã được UNESCO tôn vinh là di sản thế giới, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Chính phủ nước này đang hướng ngành du lịch đến các khu di sản thế giới nhằm tạo thêm việc làm cho dân cư nghèo ở trong các vùng đệm, các vùng gần với những công viên rộng lớn hoang sơ. Chẳng hạn đỉnh Batur, một ngọn núi lửa cực lớn, hay Pacitan với nhiều hang động rải rác rất đẹp.
Để hoàn thành mục tiêu thu hút khách 7,6 triệu du khách trong năm 2011, bà Esthy Reko Astuty Giám đốc Chương trình phát triển của Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia cho rằng cần phải ưu tiên cho lĩnh vực phát triển du lịch văn hóa – sinh thái. Chính phủ nước này đang phải đối mặt với bài toán tìm cách tăng nhanh lượng du khách, nhưng vẫn phải bảo vệ được môi trường sống của mình.
Theo TAM LỆ
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)