Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch mạo hiểm: Sao cho an toàn?

Tạp Chí Giáo Dục

Mới du nhập vào Việt Nam nhưng du lịch mạo hiểm luôn thu hút những bạn trẻ thích khám phá và trải nghiệm để có những cảm xúc khác lạ. Thế nhưng đã có một số người phải cược mạng với loại hình du lịch mới mẻ này vì ẩn chứa nhiều nguy hiểm rình rập.

Du khách tham gia một tour du lich mạo hiểm

Mạo hiểm = rủi ro cao

Vụ 3 du khách trẻ người nước ngoài bất ngờ tử nạn thương tâm tại Khu du lịch thác Datanla (Đà Lạt) vừa xảy ra gần đây càng thêm khẳng định loại hình du lịch này ẩn chứa quá nhiều rủi ro. 

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên và cũng chưa phải là cuối cùng nếu chúng ta thiếu kỹ năng và cả sự chủ quan coi thường. Có thể coi năm 1990 là mốc thời gian loại hình du lịch mạo hiểm được khai thác tại Việt Nam với các môn đi bộ xuyên rừng, leo núi, dù lượn, đu dây, vượt thác do một huấn luyện viên người Pháp khởi đầu tại Đà Lạt. Từ xa lạ đến thích thú, một vài du khách ưa khám phá mạo hiểm đã bắt đầu bén duyên với loại hình du lịch có cảm giác mạnh này.

Mấy năm gần đây, ở nước ta đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm để lại nỗi đau đớn cho người thân khi khách du lịch bị mất tích hoặc bỏ mạng tại các khu du lịch mạo hiểm. Vào ngày 3-4-2014 một du khách quốc tịch Anh tự thuê xe máy đi phượt ở vùng núi Tây Bắc nhưng sau đó đã bị bỏ mạng trên một vùng núi sạt lở. Trước đó không lâu, tại khu du lịch ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) chỉ vì tham gia trò chơi đu dây vượt sông mà một nữ du khách ngoại quốc cũng đã rơi xuống nước chết ngạt do bị đứt dây cáp.

Chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm

Bộ VH-TT&DL vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm trên các địa bàn. Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở quản lý du lịch và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý các khu, điểm du lịch mạo hiểm hoạt động trên địa bàn. Đối với các khu, điểm tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm: Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức các hoạt động, yêu cầu bố trí biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho khách du lịch, xây dựng quy trình hoạt động, phương án cứu hộ đảm bảo an toàn cho du khách; bố trí lực lượng cứu hộ tại những vị trí nguy hiểm; nghiêm túc chấn chỉnh, kiên quyết dừng hoạt động các khu, điểm du lịch không đảm bảo an toàn hoặc để xảy ra vi phạm.Cần Thơ:

Không chỉ có du lịch mạo hiểm mà các tour du lịch “hiền lành” khác do thiếu cẩn trọng vẫn có thể xảy ra các vụ tai nạn dẫn đến chết người một cách oan uổng như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thức ăn, hỏa hoạn…

Còn nhiều lỗ hổng

Việt Nam là đất nước có thiên nhiên ưu đãi với nhiều địa hình độc đáo và rừng núi hiểm trở đang trở thành tiềm năng cho du lịch mạo hiểm thu hút số đông lượng khách trong và ngoài nước. Thế nhưng qua những sự cố vừa xảy ra rất đáng tiếc đã cho thấy việc tổ chức loại hình này ở Việt Nam còn tự phát, chưa chuyên nghiệp, vẫn còn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” tồn tại nhiều lỗ hổng trong quản lý. Với cái chết của 3 du khách tại thác Datanla và gần đây là vụ tai nạn tại thác Ponguor (Đức Trọng, Lâm Đồng) làm 1 du khách nam ngoại quốc bỏ mạng là hồi chuông cảnh báo và khơi lại vấn đề an toàn cho du khách, đặc biệt là loại hình du lịch mạo hiểm. Hầu hết du khách tham gia du lịch mạo hiểm theo tour có tổ chức hướng dẫn đàng hoàng thì hầu như không có sự cố xảy ra. Nhưng qua các vụ tai nạn trên mới thấy, nguyên nhân tai nạn là do du khách không chấp hành nội quy khu du lịch, tự ý du lịch mạo hiểm một cách tùy hứng mà không mua vé để du lịch chui và bỏ qua lời nhắc nhở cần thiết của các hướng dẫn viên. Điều đáng nói hơn là họ không được chuẩn bị về trang thiết bị cần thiết, chưa được tập huấn về kỹ năng du lịch và cũng không chịu sử dụng thiết bị an toàn do đơn vị quản lý cung cấp. Vì thế nguy cơ “cái chết được báo trước” luôn có cơ hội rình rập ở bên mình.

Theo ông Trần Đình Thọ Khôi – Giám đốc Công ty TNHH Dã Ngoại Xanh (3 Thi Sách, P.6, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), để du lịch mạo hiểm không nguy hiểm trước hết trách nhiệm thuộc về hướng dẫn viên, không chỉ cần được trang bị đầy đủ kỹ năng mà còn phải có nhiều kinh nghiệm để quán triệt tinh thần và hướng dẫn kỹ lưỡng cho du khách. Ông Khôi còn cho biết ở Việt Nam chưa có chứng chỉ riêng cho hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm nên mới có tình trạng hướng dẫn viên chuyên đưa khách đi thăm vườn hoa, dinh thự, chùa chiền lại sẵn sàng tình nguyện đưa khách đi vượt thác, đu dây theo hình thức mạo hiểm nên tai nạn xảy ra là điều có thể. Vì thế, mỗi du khách phải biết tự bảo vệ khi tham gia một chuyến dã ngoại đặc biệt là tour du lịch mạo hiểm nếu mình đam mê.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)