Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Du lịch mạo hiểm: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tạp Chí Giáo Dục

Loại hình du lịch mạo hiểm vẫn luôn thu hút nhiều du khách thích khám phá. Tuy nhiên, dù hấp dẫn nhưng du lịch mạo hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu phát triển theo hướng tự phát.

Du khách nước ngoài tham quan tại Thác Voi (Lâm Đồng)

“Phớt lờ” cảnh báo

Vừa qua, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân tử vong tại thác Hang Cọp (xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Vụ việc một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại hình du lịch mạo hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro đang diễn ra tại một số khu du lịch đưa vào khai thác loại hình du lịch mạo hiểm tự phát. Là một trong những địa điểm không được tổ chức tour du lịch mạo hiểm nhưng công ty du lịch vẫn cố tình đưa du khách vào Hang Cọp để chơi trò đu dây vượt thác và dẫn đến cái chết bất ngờ của 2 nạn nhân. Theo điều tra của cơ quan chức năng, Công ty Du lịch nội địa Gold Dream (Giấc Mơ Vàng) – TP.Đà Lạt đã đưa một đoàn khách gồm 8 người nước ngoài và 2 hướng dẫn viên (HDV) người Việt thực hiện tour du lịch tại thác Hang Cọp. Tại đây, các HDV cùng du khách chơi trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác. Trong quá trình tham gia tour, du khách Cwiakala Rafal (quốc tịch Ba Lan) cùng HDV người Việt Nam tên là Nguyễn Quốc Khánh (Lâm Đồng) đu dây qua thác nhưng cả 2 người không may bị tuột dây rơi xuống thác, tử vong.

Trước đó, ngày 26-2-2016, 3 du khách người Anh đã tử vong do trượt chân khi đi tắm tại thác Datanla (TP.Đà Lạt). Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist), đơn vị quản lý thác Datanla đã ra thông báo dừng các hoạt động du lịch mạo hiểm tại thác Datanla. Những cái chết của du khách vì sự mạo hiểm, “phớt lờ” cảnh báo của các đơn vị khai thác du lịch đã đặt ra một câu hỏi lớn về tình trạng hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm tại Việt Nam hiện nay. Được biết, tại Lâm Đồng, hiện chưa có cơ quan chức năng nào chuyên tổ chức đào tạo và cấp phép cho HDV du lịch mạo hiểm. Điều này cho thấy loại hình du lịch tiềm năng này phát triển là nhu cầu tất yếu cho những ai yêu thích khám phá nhưng chính từ việc chưa được khai thác một cách bài bản và chuyên nghiệp đã dẫn đến những cái chết đau lòng.

Bài toán chưa có lời giải

Những năm gần đây, trào lưu du lịch tự do phát triển, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài tìm đến những địa điểm khai thác du lịch tự phát. Thác Hang Cọp là một trong những điểm đến có địa hình khá hiểm trở. Từ nhiều năm nay, khu du lịch này đóng cửa, ngừng đón khách tham quan để đầu tư nâng cấp. Nhằm cảnh báo du khách, tại đây có gắn biển: “Cấm du khách nước ngoài chơi trò mạo hiểm tại thác Hang Cọp”. Thế nhưng, biển cấm này dường như không có hiệu lực khi nhiều tour du lịch tự phát vẫn tự ý dẫn du khách đến đây để khám phá, tham quan.

Theo anh Nguyễn Tuấn Vũ, HDV có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch: “Nhiều đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm trong nước chưa đặt vấn đề an toàn của du khách lên hàng đầu. Hiện nay, không có quy chuẩn gì đối với loại hình này, nhiều huấn luyện viên là tay ngang, tự học chứ không hề có chứng chỉ chuyên môn”.

Đối với loại hình du lịch mạo hiểm, du khách khi tham gia cần phải có những yêu cầu tuyệt đối về kiểm tra sức khỏe, được huấn luyện và có thời gian thực hành trước. Tuy nhiên, mọi khâu từ việc đóng bảo hiểm, trực cứu hộ cho đến trang thiết bị… do du khách tham gia đều bị nhiều đơn vị du lịch tự phát bỏ qua.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra ở thác Hang Cọp, Tổng cục Du lịch đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, khẩn trương xác minh, điều tra, làm rõ bản chất vụ tai nạn xảy ra tại khu du lịch thác Hang Cọp, có kết luận chính thức về các vi phạm pháp luật của các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

Theo anh Nguyễn Tuấn Vũ, HDV có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch: “Nhiều đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm trong nước chưa đặt vấn đề an toàn của du khách lên hàng đầu. Hiện nay, không có quy chuẩn gì đối với loại hình này, nhiều huấn luyện viên là tay ngang, tự học chứ không hề có chứng chỉ chuyên môn”.

Thiết nghĩ, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc là điều cấp thiết hiện nay. Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán này, chính quyền địa phương có tiềm năng khai thác du lịch mạo hiểm cần siết chặt khâu quản lý để các đơn vị khai thác du lịch đảm bảo các điều kiện an toàn cho du khách trước và trong suốt quá trình tham gia.

Bài, ảnh: Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)