Với điều kiện thời tiết thuận lợi, kỳ nghỉ lễ 2-9 khá dài ngày, ngành du lịch các tỉnh, thành miền Trung đã đạt được doanh thu ấn tượng. Đây là tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh và kinh tế…
Khách du lịch nội địa và quốc tế tăng cao
Thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, tổng lượng du khách đến Thừa Thiên – Huế dịp lễ 2-9 ước đạt 130.000 lượt (tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023). Khách lưu trú ước đạt 65.000 lượt (tăng 77,7% so với năm trước), trong đó có khoảng 16.000 lượt khách quốc tế (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước). Công suất bình quân phòng của các khách sạn đạt khoảng 64%, nhiều cơ sở đạt trên 80%.
Tại các điểm tham quan di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, trong 4 ngày (từ ngày 30-8 đến 2-9) đã có 98.867 lượt khách vào tham quan, riêng trong ngày 2-9 có khoảng 68.184 lượt khách (cùng ngày năm 2023 có khoảng 51.000 lượt khách). Điểm di tích mới Hải Vân Quan trên đèo Hải Vân thu hút 14.636 lượt khách. Các điểm du lịch nghỉ dưỡng như Khu Bạch Mã Village (Phú Lộc) đón khoảng 1.500 khách/ngày, Khu YesHue Eco Thác Mơ (Nam Đông) đón 500 khách/ngày..
Trong dịp lễ Quốc khánh 2-9, ngành đường sắt đón hơn 13.000 khách đến và đi tại ga Huế; riêng tuyến tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung: Huế – Đà Nẵng” kín hành khách (hơn 4.000 người). Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đón 180 chuyến bay đến và đi, vận chuyển khoảng 30.000 lượt khách.
Tại TP.Đà Nẵng, tổng lượng khách du lịch đạt gần 308.000 lượt người, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khách nội địa đạt khoảng 217.000 lượt, tăng 23,8%; khách quốc tế đạt khoảng 91.000 lượt, tăng 15,3%. Sân bay Đà Nẵng đón 479 chuyến bay quốc tế và nội địa; trong đó, có 202 chuyến bay quốc tế, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách tại các cơ sở lưu trú du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ đạt khoảng 89.290 lượt, tăng 18,2%. Công suất phòng bình quân đạt khoảng 50-55%, khách lưu trú tập trung đông nhất tại các cơ sở ven biển và khách sạn 4-5 sao ở trung tâm TP, khách lẻ chiếm 60-70%. Lượng khách du lịch bằng đường sông trong 4 ngày nghỉ lễ đạt khoảng 11.980 lượt. Năm nay, lượng khách đi bằng đường sắt, đường bộ, phương tiện tự túc tăng rất cao. Lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường sắt đạt khoảng 10.678 lượt, tăng 42,43% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo sơ bộ của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cho thấy, trong kỳ nghỉ lễ, địa phương đón 193.000 lượt khách, tăng 16% so cùng kỳ, công suất phòng bình quân đạt 55-60%, riêng các khách sạn 4-5 sao đạt 80-90%. Trong đó, tại TP.Hội An, lượng khách nội địa đến rất đông. Địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch vui chơi phục vụ du khách diễn ra an toàn, thân thiện…
Tín hiệu vui cho du lịch miền di sản
Năm 2024, cùng với tín hiệu hồi phục của ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các tỉnh miền Trung đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu mang tính chất trọng điểm để hút du khách đến với miền di sản này. Doanh thu ngành dịch vụ du lịch từ dịp lễ là tín hiệu đáng mừng.
Thừa Thiên – Huế ước đạt 132 tỷ đồng, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2023; Đà Nẵng đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023…
“Đây là tín hiệu đáng mừng của du lịch Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung. Điều này là minh chứng cho du lịch miền di sản được hồi phục trở lại và tiếp tục phát triển nhờ các chủ trương, chính sách, các chương trình kích cầu du lịch đúng hướng”, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế – cho biết.
Việc kết nối chuyến tàu di sản giữa Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho du khách có thêm một “kênh” tham quan bằng tàu hỏa đi qua các miền quê, trải nghiệm khung cảnh qua ô cửa sổ con tàu. Mô hình “Một hành trình nhiều điểm đến” này hứa hẹn mang lại hiệu quả lâu dài, không chỉ đưa du khách đến Huế, Đà Nẵng mà còn gián tiếp “hút” khách đến các di tích, di sản ở Quảng Nam (như Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm…).
Không phải bây giờ, câu chuyện kết nối du lịch miền di sản giữa các tỉnh, thành Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam trước đó đã được bàn thảo nhiều ở hội nghị điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Quảng Nam – nhìn nhận, việc du khách tăng cao là tín hiệu tích cực với du lịch địa phương nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đối mặt với nguy cơ suy giảm lượng khách quốc tế lẫn khách nội địa khi mùa mưa đang đến gần. Cùng với nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn vừa qua, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tung ra chương trình kích cầu du lịch “mùa vàng xứ Quảng” với nhiều sản phẩm đặc sắc, kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng sụt giảm khách trong mùa thấp điểm, nhất là với thị trường khách nội địa.
Hàn Giang
Bình luận (0)