Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch sẵn sàng bứt tốc

Tạp Chí Giáo Dục

Sau kỳ ngủ đông chưa từng có trong lịch sử, ngành du lịch Việt Nam đã sẵn sàng trở lại, bứt tốc ngay sau khi Chính phủ chốt phương án mở bung du lịch từ 15.3.

Loạt điểm đến “nóng” hầm hập

Văn phòng Chính phủ hôm qua (16.2) có Thông báo số 43 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Trong thông báo trên, Phó thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ VH-TT-DL cùng ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Theo đó, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa được mở trở lại hoàn toàn từ ngày 15.3 bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Các biện pháp kiểm soát đi lại từ khi bùng dịch được dỡ bỏ, dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về xin cấp thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế và thực hiện như trước khi có dịch Covid-19, bao gồm cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương… Như vậy, từ 15.3, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đây được coi là chiếc chìa khóa mở cánh cửa cuối cùng đưa du lịch Việt Nam hoàn toàn trở lại sau thời gian 2 năm đóng băng vì dịch bệnh. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, dự báo nếu mọi thủ tục, hướng dẫn được ban hành nhanh chóng thì với thời điểm mở cửa này, đến tháng 6, du lịch nội địa có thể trở lại bằng 50 – 60% so với năm 2019. Thị trường quốc tế sẽ đạt khoảng 30 – 35%. Đặc biệt, mùa đông cuối năm từ tháng 11 trở đi, lượng khách nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng rất nhanh và khả năng sẽ quay trở lại bằng 50 – 60% so với năm 2019 – thời kỳ hoàng kim của du lịch Việt.

Du lịch sẵn sàng bứt tốc - ảnh 1

Du khách đổ về Phú Quốc. N.A

Thực tế, trước khi thời điểm mở cửa đón khách quốc tế chính thức được “chốt hạ”, ngành du lịch Việt Nam cũng đã bắt đầu ấm dần lên sau mùa Tết Nguyên đán rộn ràng. Thống kê từ Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày tết (từ ngày 29.1 – 6.2), ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25.000 tỉ đồng. Con số này đã vượt số khách trong cả tháng 12.2021 (5,2 triệu lượt) và không kém nhiều lượng khách nội địa trong tháng 1.2020 (7,3 triệu lượt) – thời điểm trước dịch Covid-19.

Hoạt động du lịch sôi nổi tại hầu khắp các địa phương trên cả nước. Đơn cử, công suất đặt phòng nghỉ tại các khu du lịch ở Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát đạt hơn 70%; Quảng Ninh đón lượng khách tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; Ngành du lịch Ninh Bình đón lượng khách du xuân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng 35,52% so với Tết 2021. Đặc biệt, Phú Quốc ghi điểm tuyệt đối với du khách và trở thành điểm đến “hot” nhất mùa Tết Nguyên đán 2022. Đón khách du xuân từ ngày 27 tháng chạp, sau 9 ngày tết, đảo ngọc đã phục vụ gần 80.000 lượt khách tham quan du lịch. Hầu hết khách sạn phân khúc 3 – 5 sao đồng loạt báo hết phòng từ 28 tết. Đến giai đoạn từ ngày 7 – 13.2, Cảng hàng không Phú Quốc vẫn duy trì đón khoảng 40 chuyến bay/ngày.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị – truyền thông Công ty lữ hành Fiditour, sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch của người dân và các đơn vị, doanh nghiệp rất lớn. Đặc biệt, sau khi những hạn chế về đi lại, cách ly, xét nghiệm đã được tháo bỏ, du lịch sẽ tăng tốc rất nhanh. Mặc dù vậy, 1 trong những yếu tố hàng đầu mà du khách quan tâm khi đi du lịch hiện nay chính là an toàn và sự riêng tư. Điều này cũng một phần lý giải vì sao Phú Quốc trở thành một trong những điểm đến có sức hút lớn nhất.

“Không chỉ hút du khách mùa du lịch tết, Phú Quốc vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu cho các hoạt động du lịch sau tết. Ngoài lợi thế khí hậu nắng ấm, Phú Quốc an toàn hơn rất nhiều điếm đến với tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân toàn TP đã đạt 100% mũi 2. Bên cạnh đó, Phú Quốc hội tụ rất nhiều khu resort đẳng cấp, vừa đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người lớn, vừa có nhiều điểm vui chơi hấp dẫn dành cho trẻ em. Là một hòn đảo biệt lập, nhiều khu nghỉ đẳng cấp, Phú Quốc cũng là điểm đến thu hút khách quốc tế sau khi du lịch Việt Nam chính thức mở cửa”, bà Thu nhận định.

Bất động sản nghỉ dưỡng hồi sinh

Du lịch “ngủ đông” 2 năm, hàng loạt những khu resort, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng trải dài từ Bắc qua Trung, vào Nam khốn khổ trong khung cảnh tiêu điều, không có sức sống. Thế nhưng, ngay khi du lịch rục rịch “cựa mình” thức dậy, các resort đẳng cấp, cao cấp cũng chính là đối tượng nhộn nhịp trở lại đầu tiên.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành lớn ở TP.HCM, nhu cầu du lịch sau dịch của du khách cũng có nhiều thay đổi về hành vi. Cụ thể, chương trình chủ yếu tập trung cho mục tiêu nghỉ dưỡng, thư giãn, không quá nhiều hoạt động tham quan hoặc tập trung ở các điểm vui chơi đông đúc. Các tín đồ du lịch sẵn sàng chi trả mức giá cao cho những ngày nghỉ tại các khu resort đẳng cấp, đảm bảo tiêu chí an toàn và riêng tư. Đây chính là chất xúc tác thúc đẩy thị trường BĐS nghỉ dưỡng rục rịch hồi sinh.

Mô hình wellness đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và tại những khu vực có lợi thế như Phú Quốc là hướng đi rất đúng đắn và chắc chắn sẽ thành công. Cùng với độ mở cửa du lịch, BĐS nghỉ dưỡng với những sản phẩm ngày càng đa dạng và đẳng cấp sẽ nhanh chóng hồi sinh mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Đính

Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group), cho rằng BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng xuất hiện trong vài năm trở lại đây và trở thành cao trào từ sau ảnh hưởng của dịch. Giới thượng lưu sẵn sàng chi tiền để được sở hữu những BĐS vừa thỏa mãn nhu cầu cá nhân hóa, vừa được nghỉ dưỡng chủ động, vừa chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần toàn diện giữa thiên nhiên. Vì thế, BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng sẽ luôn “khỏe” khi các nhà phát triển BĐS tạo nên được những dự án xứng tầm. Bằng chứng là thời gian dịch bệnh vừa qua, du lịch “bất động”, nhưng BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng mà Sun Property phát triển không ngừng chuyển động với hàng loạt dự án ra hàng từ Quảng Ninh, Thanh Hóa, tới Phú Quốc và được khách hàng cao cấp đón nhận với tỷ lệ rất cao. Đặc biệt, dòng BĐS wellness (mô hình BĐS nghỉ dưỡng mang đến cho cư dân những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe) ghi nhận tỷ lệ hấp thụ kỷ lục ngay khi vừa ra mắt thị trường. Điều đó chứng tỏ sau ảnh hưởng dịch bệnh, kỷ nguyên wellness đang “trỗi dậy”.

Dẫn chứng ghi nhận tình hình giao dịch BĐS ở 1 số “vùng trũng quan trọng” như Phú Quốc, Thanh Hóa và 1 số tỉnh Đông Nam bộ… vô cùng sôi động trong năm 2021, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định kinh tế biển, kinh tế du lịch sẽ trở thành hoạt động mũi nhọn trong tương lai và sẽ ngày càng đa dạng về sản phẩm. Đơn cử, mặc dù gặp nhiều hạn chế trong lưu thông, nhưng từ các dự án BĐS nghỉ dưỡng ở Phú Quốc vẫn có trên 1.000 giao dịch diễn ra và các giao dịch bên ngoài còn ghi nhận số lượng gấp đôi. Tỷ lệ hấp thụ cao, các đợt chào bán ở các dự án đều đạt tỷ lệ hấp thụ trên 30%. Ông Đính đánh giá đây là tỷ lệ ấn tượng ở 1 TP biển đảo, hơn nhiều các khu vực khác trên cả nước.

Theo Hà Mai/TNO

 

Bình luận (0)