Nhờ có chính sách đổi mới và mở cửa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 45/CP của Chính phủ về đổi mới và phát triển ngành Du lịch và Chỉ thị số 46/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, du lịch Tây Nguyên đã có nhiều bước tiến mới.
Cưỡi voi trong khu du lịch sinh thái Buôn Đôn
Du khách chọn đến Tây Nguyên tham quan thường vì mục đích tìm hiểu về nét đẹp văn hoá của một vùng đất hoang sơ, yên lành. Chị Rơ Lan Pinh – Nghệ nhân múa Xoay (trú tại xã Hàng Ring, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Các tiết mục múa, cồng chiêng với tiết tấu nhanh, khỏe mạnh miêu tả các lao động của người dân tộc Gia Rai luôn khiến các du khách thích thú…”.
Năm 2009, có 25 dự án đầu tư vào khu vực Tây Nguyên với tổng số vốn đầu tư là 3.215 tỷ đồng, trong đó có một số dự án tiêu biểu như: khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu du lịch sinh thái lòng hồ Plei Krông (Kon Tum); khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu du lịch sinh thái đồi thông Hà Tam, công viên văn hoá các dân tộc, khu du lịch lâm viên Biển Hồ (Gia Lai); khu du lịch sinh thái đồi Cư Luê, khu du lịch hồ Ea Kao, khu du lịch Hồ Lắk (Đắk Lắk); khu du lịch sinh thái – văn hoá Nam Nung, khu du lịch cụm thác Dray Sáp – Gia Long – Trinh Nữ (Đắk Nông). Riêng tỉnh Lâm Đồng có 151 dự án đầu tư trên địa bàn từ năm 2003 – 2009, với tổng vốn đầu tư là 43.856 tỷ đồng. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu là khu du lịch sinh thái Cam Ly – Măng Lin, dự án sân Golf 36 lỗ, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu công viên văn hóa Đà Lạt, khu du lịch sinh thái rừng hồ Đa Nhim, khu du lịch hồ thủy điện Đại Ninh, dự án vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà…
Hoạt động du lịch Tây Nguyên giai đoạn 2001 – 2010 khá phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12%. Lượng khách du lịch quốc tế Tây Nguyên từ 2000 tới 2010 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,9%/năm. Số lượng khách quốc tế có tăng nhưng không ổn định, thường tập trung vào các dịp lễ hội. Khách du lịch nội địa tăng liên tục từ năm 2000 đến nay, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 13,0%, chủ yếu đến từ TP.Hồ Chí Minh (60,5%), Đông Nam Bộ (9%), đồng bằng sông Cửu Long (15,5%), Hà Nội, Hải Phòng (7,8%).
|
Để tăng lượng khách du lịch đến Tây Nguyên năm 2012, chị Hoàng Thanh Hương – cán bộ Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: "Trong thời gian tới, Sở VHTTDL Gia Lai sẽ kết hợp với huyện KBang tổ chức Liên hoan Cồng chiêng các dân tộc phía Đông tỉnh Gia Lai, để gìn giữ nét độc đáo trong văn hóa các dân tộc Tây Nguyên và tạo tiền đề khai thác, phát triển du lịch văn hóa ở các huyện có tiềm năng…”.
Song song với đầu tư xây dựng nhiều điểm đến văn hoá, chị Hoàng Thanh Hương cho biết: Công tác đầu tư phát triển du lịch đã được quan tâm ở tất cả các tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của tình hình tài chính khu vực và trong nước, một số dự án đã đăng ký, nhưng chưa được triển khai, đã ảnh hưởng lớn đến quy hoạch phát triển các khu du lịch. Hiện các tỉnh đang rà soát lại các dự án đầu tư vào du lịch, phối hợp với chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc.
Được biết, đầu tư cho phát triển du lịch luôn đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh, hơn nữa chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc phần lớn vào hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Do vậy, ngoài nguồn vốn ngân sách, các nguồn vốn xã hội hoá phát triển du lịch cũng được khuyến khích. Bên cạnh đó, các tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong cũng như nước ngoài; tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân với Nhà nước, mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước như các hình thức BOT, BTO… Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, ưu tiên, miễn giảm thuế, cho chậm thuế, giảm tiền thuế đất, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư theo danh mục đã xây dựng, các dự án đầu tư vào các vùng đất còn hoang sơ, vùng sâu, vùng xa… và đối với các hình thức kinh doanh du lịch mới có khả năng kéo dài thời gian lưu trú của khách…
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần khai thác tốt nguồn vốn tích lũy tái đầu tư; tận dụng tài sản, đất đai, sử dụng hiệu quả sức lao động, giảm chi phí hoạt động, tăng cường quản lý chất lượng, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, phát triển thị trường mới, đa dạng hóa loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch, để có thể thu hồi vốn nhanh…
Bằng việc chọn các giải pháp đầu tư như trên, vốn cho đầu tư phát triển du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên sẽ bớt khó khăn do đầu tư tập trung, dứt điểm từng khu, điểm du lịch. Đầu tư đến đâu, đưa vào khai thác sử dụng đến đó, rút ngắn thời gian thu hồi vốn và từ đó có điều kiện để đầu tư cho các khu, điểm du lịch khác.
Theo Đức Nguyên
(daidoanket)
Bình luận (0)