Hủy bỏ kế hoạch nghỉ mát miền Trung, dịp 2/9 năm nay, gia đình chị Thu Hà (Hà Nội) sẽ đi trượt cỏ ở ngoại thành. Quyết tâm đi chơi xa, nhưng nhóm bạn của Thanh Trúc chuẩn bị sẵn đồ ăn, lều bạt để ngủ trên bãi biển.
Chị Hà cho biết, chị đã tham khảo tại một số công ty du lịch thấy giá tour tăng 10-15% so với ngày thường, nếu đặt tour 4 người tới Đà Nẵng sẽ ngốn khoảng 14 triệu đồng, thay vì hơn 10-12 triệu đồng như trước đây. Dự định mua vé máy bay giá rẻ cũng không thành vì đã hết chỗ.
“Tôi đang lựa chọn một số điểm vui chơi giải trí xung quanh thủ đô như khu trượt cỏ để lũ trẻ thư giãn. Lạm phát cao, đầu năm học mới lại nhiều khoản chi tiêu nên đành phải hoãn đi chơi xa”, chị Hà nói.
Vẫn quyết định du lịch Huế – Đà Nẵng, nhưng gia đình anh chị Khánh – Huyền đã tiết kiệm chi phí bằng cách đặt phòng bình dân, chí phí ăn uống cũng không thoải mái như trước. “Gia đình chúng tôi sẽ tự di chuyển, tự khám phá điểm đến thay vì có hướng dẫn viên. Bà xã cũng mang theo một số đồ ăn từ Hà Nội để tiết kiệm”, anh Khánh nói.
Nhiều nhóm bạn trẻ cũng lên kế hoạch đi du lịch “bụi”, thay vì mua tour như trước đây. Thanh Trúc, một cán bộ quản lý dự án xây dựng và nhóm bạn đã lên kế hoạch trước cả tháng, tìm địa chỉ nhà xe, nhà nghỉ, các quán ăn… Thậm chí, họ dự tính mang theo cả xe đạp để đi những chặng đường ngắn mà không phải đi xe ôm hay mang lều bạt để ngủ trên bãi biển để không phải thuê nhà nghỉ.
Nhiều diễn đàn du lịch trên mạng cũng nhộn nhịp các topic mời gọi đi Sapa, Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang trong dịp 2/9… của các nhóm bạn trẻ và một số gia đình. Họ sôi nổi cùng chia sẻ kinh nghiệm thuê phòng, chỗ ăn giá hợp lý.
Giá tour năm nay ước tính tăng 15-20% so với ngày thường khiến khách đăng ký tại các hãng lữ hành không tăng mạnh như các năm trước. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Du lịch Bến Thành, chi nhánh Hà Nội, nhận xét, ngay bạn bè, người thân của ông cũng không thấy đi du lịch dịp 2/9. Điều này cho thấy du khách thắt chặt chi tiêu trong cơn lạm phát, chỉ có người thu nhập cao mới không e ngại giá tour thời điểm này.
Chị Nguyễn Thị Huyền, đại diện Công ty Du lịch Vietran tour, cũng cho biết, giá tour dịp 2/9 trung bình tăng từ 10 USD đến 50 USD so với giá ngày thường. Với tour Thái Lan, phụ phí xăng dầu hàng không tăng lên tới 70USD. Do vậy, nhóm khách du lịch phổ thông đi Thái Lan, Trung Quốc đường bộ sút giảm. Đơn vị này đã giảm giá tour đi Quảng Châu, Thẩm Quyến tới 44 USD để thu hút khách.
“Năm nay, xu hướng chia 2 nhóm khách. Nhóm chi trả cao với những tour châu Âu, Hàn Quốc, HongKong, Singapore hoặc các điểm đến trong nước như Vinpearl, Phú Quốc, Đà Lạt, Mũi Né… Các tour này vẫn bán chạy. Tuy nhiên, nhóm khách phổ thông thường chọn tour Thái Lan hoặc Trung Quốc đường bộ hoặc Sapa, Hạ Long… thì giảm”, chị Huyền nói.
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết, mục tiêu doanh thu của ngành du lịch năm nay là 64.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, doanh thu ước đạt khoảng 24.000 tỷ đồng. Với tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay, cũng cần có sự đánh giá, xem xét một cách cụ thể và kỹ lưỡng hơn các chỉ tiêu. Theo ông Thắng, diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, sức ép giá cả tăng cao, khiến giá dịch vụ du lịch cũng tăng khoảng 30% so với năm 2007. Điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng, khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong tháng 7, lượng khách tới Việt Nam để du lịch và nghỉ ngơi đã giảm 16,4%. |
Đoàn Loan (vnExpress)
Bình luận (0)