Du lịch Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn phục hồi mới. Tuy nhiên, làm sao để nắm bắt được thời cơ, bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới là vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch của TP.HCM và các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ.
Du khách tham gia Trải nghiệm làm nông dân tại làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ
1.Ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Do hậu quả của dịch Covid-19, năm 2021, Kiên Giang đón 3,1 triệu lượt khách (giảm 41,8% so với cùng kỳ, đạt 44,7% kế hoạch năm). Riêng TP.Phú Quốc đón 2,3 triệu lượt khách… Nhưng trong 02 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang đón trên 01 triệu lượt khách (tăng 27,1% so cùng kỳ, đạt 18,8% kế hoạch năm), trong đó TP.Phú Quốc đón 740.000 lượt khách (tăng 30,1% so cùng kỳ), khách quốc tế ước đón 18.687 lượt khách, đạt 10,4% kế hoạch năm. Riêng chương trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu vắc-xin, đến nay đón 10 chuyến bay với 1.282 khách… “Để có thành công trên, Kiên Giang tập trung vào các giải pháp: Truyền thông, xúc tiến quảng bá. Xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đào tạo nguồn nhân lực. Quy hoạch và đầu tư hạ tầng du lịch. Năm 2022, ngành du lịch Kiên Giang phấn đấu đạt mục tiêu đón 5,6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó có 200.000 lượt khách quốc tế.” – ông Trung chia sẻ.
Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó CT Hội đồng Liên kết vùng (gồm TP.HCM và 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ), cho biết thêm: “Hơn 98% doanh nghiệp (DN) ngành du lịch là vừa và nhỏ, dưới tác động của đại dịch nhiều DN phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Hiện nay thị hiếu của du khách có nhiều thay đổi với xu hướng đi nhóm nhỏ, đi ít ngày hơn, đi gần và nhu cầu của du khách về đảm bảo an toàn phòng chống đại dịch đối với cơ sở du lịch rất cao. Do nhu cầu cạnh tranh, nhiều nước trong khu vực có nhiều chương trình kích cầu du lịch cùng với chính sách nhập cảnh khá dễ dàng, đang tác động đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế lẫn nội địa”.
2.Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 “Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ” và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức vừa qua, lãnh đạo các tỉnh, thành đã trình bày Giải pháp của địa phương và kiến nghị các biện pháp để phát triển du lịch của TP.HCM và 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ, và thống nhất với kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch (LKHTPTDL) vùng năm 2022. Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Trong năm 2022, UBND TP/HCM sẽ chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng website chung của vùng, quảng bá du lịch các địa phương trong liên kết một cách hiệu quả. Các hoạt động kết nối giao thương giữa DN du lịch, DN cung ứng dịch vụ các tỉnh, thành phố để trao đổi thông tin, sản phẩm, mở rộng giao thương giúp DN có thêm nhiều cơ hội để hợp tác xây dựng và bán sản phẩm cũng cần được tổ chức nhiều hơn và luân phiên tại các tỉnh”.
Để nắm bắt được thời cơ, bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, ngành du lịch của TP.HCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ nói riêng, ngành du lịch của Việt Nam nói chung đang rất cần sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính quyền, các Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể người dân.” – Thứ trưởng nhấn mạnh. |
Với vai trò Cụm trưởng Cụm LKHTPTDL vùng, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó CT/UBND TP.Cần Thơ, kiến nghị: Cần phát huy hơn nữa vai trò của Cụm phía Tây và Cụm phía Đông khu vực Tây Nam bộ trong HTLKPTDL vùng. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư phát triển DL. Phát triển thị trường – sản phẩm và đẩy mạnh xã hội hóa trong DL. Chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về DL”.
3.Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTHDL) Đoàn Văn Việt đánh giá cao các biện pháp và ghi nhận kiến nghị của lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành cùng các DN du lịch: “Tôi rất vui mừng khi thông qua hoạt động liên kết đã thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin thông suốt giữa các địa phương; Hoạt động liên kết đem lại sự đa dạng hóa và hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, như: Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi, An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh, Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng, Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp…”.
Thứ trưởng cho biết thêm: Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo năm 2022 lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng từ 30% đến 78% so với năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, kết hợp với việc nới lỏng các hạn chế đi lại đã giúp giải phóng nhu cầu du lịch bị dồn nén tại các quốc gia. Đây là tín hiệu khả quan của du lịch thế giới cho thấy nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn cầu đã thực sự quay trở lại. Để ngành DL phát triển mạnh và thực chất, TP.HCM và 13 tỉnh, thành cùng các DN cần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo… Phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách: “TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân liên kết, hợp tác giữa các các địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú các tỉnh thành được tham gia các sự kiện, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Đề nghị TP.HCM và 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, triển khai các nội dung phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến DL theo định hướng, chủ trương của Bộ VHTTDL trong truyền tải thông điệp “Live fully in Vietnam – Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa…”.
Đan Phượng
Bình luận (0)