Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch trong nước đắt đỏ, người Việt đổ đi nước ngoài chơi lễ

Tạp Chí Giáo Dục

Giá vé máy bay, khách sạn, dịch vụ ăn uống trong nước đều đắt đỏ, tỷ lệ khách đặt tour xuất ngoại mùa lễ 30.4 – 1.5 tại các công ty du lịch tăng mạnh.

Tour xuất ngoại 'lên ngôi'

"Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 3.000 lượt khách đến Vietravel đặt tour đi chơi dịp lễ 30.4 – 1.5, trong đó lượng khách du lịch nội địa chiếm 30%, còn du lịch nước ngoài chiếm 70%" – bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel chia sẻ với Thanh Niên sáng 14.3.

Du lịch trong nước ngày càng đắt đỏ, người Việt đổ đi nước ngoài chơi lễ - Ảnh 1.

Khách Việt tham quan cung điện Gyeongbokgung (Hàn Quốc). VŨ PHƯỢNG

Theo bà Khanh, hiện du khách tìm hiểu tour tại Vietravel đang đặt nhiều sự quan tâm đến các đường tour Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Dubai… Hành trình tour hiện đều được Vietravel xây dựng mới, thêm nhiều điểm tham quan và trải nghiệm nhưng vẫn giữ nguyên mức giá so với trước dịch, chỉ từ 8 triệu đồng/người. Đặc biệt, thị trường quốc tế thế giới đang diễn ra cuộc cạnh tranh gắt gao giữa các điểm đến, nhất là khi nguồn khách "khổng lồ" từ Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu khai thác trở lại. Trong đó, giá cả là một trong những "vũ khí" hàng đầu. Vì thế, các dòng tour xuất ngoại với trải nghiệm mới mẻ, giá phải chăng đang rất được lòng các "tín đồ du lịch" Việt.

Tương tự, mặc dù còn hơn 1,5 tháng nữa mới đến kỳ nghỉ 30.4 – 1.5 nhưng Công ty TST Tourist đã ghi nhận lượng khách đặt tour khá khá sôi động. Trong đó, tỷ lệ khách chọn tour trong nước chiếm 39%, còn lại 61% là tour nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – marketing và công nghệ thông tin thuộc TST Tourist cho biết, những đường tour có lượng khách quan tâm nhiều bao gồm: Thái Lan, Đài Loan, Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Đây cũng là những đường tour đã ghi nhận lượng khách chốt sớm nhiều nhất. Đến nay, số lượng khách du lịch theo chương trình định sẵn mùa lễ tới của TST Tourist đã đạt gần 500 khách. Lượng khách đi tour đoàn cũng đạt con số tương đương. Dự kiến, tổng lượng khách tour lễ 30.4 – 1.5 của công ty ước đạt khoảng 2.000 khách.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị – truyền thông Công ty CP Lữ hành Vietluxtour, đánh giá sau Covid -19, thị trường du lịch đã thay đổi khá nhiều về tính chất mùa vụ. Mùa thấp điểm gần như không còn, nhu cầu du khách diễn ra xuyên suốt cả năm và tăng cao hơn ở các mùa lễ, tết.

Lễ 30.4 năm nay, do thuận tiện về thời gian, số ngày nghỉ dài nên du khách có kế hoạch du lịch khá sớm, nhất là tour outbound. Hiện với các tuyến châu Âu, Úc… Vietluxtour đã gần hoàn tất kế hoạch bán lễ. Dự kiến các tuyến Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) sẽ đạt kế hoạch khoảng giữa cuối tháng 3. Các tuyến có thể mở nhận khách đến trước lễ khoảng 1 – 2 tuần là Thái Lan, Singapore – Malaysia …

"Đặc biệt, tuyến du lịch nước ngoài đã mở lại đa dạng các thị trường như trước dịch Covid-19, gồm châu Âu, Úc, Đông Bắc Á… Các tuyến Đông Nam Á cũng rất sôi động vì cập nhật tuyến điểm, dịch vụ mới, giá kích cầu đang khá tốt. Vì thế, nếu tính theo tỷ lệ đặt tour thì khoảng 55% khách của Vietluxtour dịp lễ này chọn hành trình nội địa, 45% đi tour outbound. So với trước dịch, lượng khách đặt tour xuất ngoại đạt tỷ lệ tăng trưởng cao hơn khách chọn tour nội địa. Tuy vậy, so về số lượng thì khách đi trong nước vẫn chiếm lợi thế do chủ yếu khách đoàn/khách tour MICE" – bà Trần Thị Bảo Thu thông tin.

Du lịch trong nước ngày càng đắt đỏ, người Việt đổ đi nước ngoài chơi lễ - Ảnh 2.

Nhiều tour xuất ngoại giá hấp dẫn đang hút khách Việt. B.T

Giá dịch vụ trong nước ngày càng tăng

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation ví von, giá là khẩu đại bác bắn vỡ toang tất cả những thành trì kiên cố nhất. Không có khách hàng trung thành, khách hàng chỉ trung thành với quyền lợi của họ. Vì thế, trong cuộc đua hút khách quốc tế hậu Covid-19, các nước – đặc biệt là Thái Lan, đang có nhiều lợi thế hơn Việt Nam. Liên kết chính là "chìa khóa" giúp Thái Lan thành công trong việc giảm giá tour và với cách làm "ông" nào cũng muốn làm hết mọi dịch vụ để ôm lời như hiện nay, Việt Nam không thể bán tour rẻ hơn Thái Lan cũng như một số nước Đông Nam Á.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, người dân phải thắt chặt chi tiêu thì giá cả không chỉ là bất lợi rất lớn trong cuộc đua hút khách tới Việt Nam mà còn khiến thị trường du lịch nội địa thất thế so với du lịch outbound.

Thực tế, các công ty lữ hành như Vietluxtour hay Lữ hành Saigontourist đều ghi nhận mức chi phí đầu vào cấu thành giá tour như giá vé máy bay, dịch vụ khách sạn, dịch vụ nhà hàng, giá cả nhiên liệu… tăng cao hơn. Họ có thể giữ giá ổn định mùa lễ cho du khách là nhờ đặt cọc trước từ khá lâu để "ôm" series booking (đặt trước nhiều phòng khách sạn). Với khách đi tự túc, sử dụng dịch vụ lẻ thì chi phí du lịch ngày càng đắt đỏ, nhất là "gánh nặng" vé máy bay.

Theo khảo sát của báo, hầu hết vé máy bay tới các điểm du lịch nổi tiếng trong nước đã bắt đầu tăng vọt, kéo dài từ cao điểm lễ 30.4 – 1.5 đến cao điểm hè (tháng 6 – tháng 8). Đơn cử, từ TP.HCM – Phú Quốc ngày 28.3, về 3.5, nếu chọn chuyến bay sáng sớm hoặc đêm khuya của hãng Vietjet tiết kiệm nhất thì các "tín đồ du lịch" cũng phải trả hơn 4 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi; nếu chọn Vietnam Airlines trên 4,2 triệu đồng.

Vé từ Hà Nội/TP.HCM đi Đà Nẵng mùa lễ thấp nhất của Vietjet hơn 4,2 triệu đồng/vé khứ hồi; Bamboo Airways gần 5 triệu đồng bay cùng ngày; trong khi nếu mua Vietnam Airlines giá hơn 5,2 triệu đồng, ngang vé mùa Tết Nguyên đán. Thực tế, vào những ngày này, khung giờ nào vé cũng ngang nhau, không chênh lệch nhiều.

Vé máy bay quốc nội đắt đỏ, quốc tế giá tốt đang là chất xúc tác thúc đẩy làn sóng người Việt tăng tốc xuất ngoại du lịch.

Tốc độ tăng trưởng thị trường du lịch outbound (đi du lịch quốc tế) của Việt Nam giai đoạn 5 năm qua rất mạnh. Báo cáo "Tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2016 – 2021" của MasterCard nhận định, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm về số lượng người đi du lịch nước ngoài ở mức 9,5%, đứng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Myanmar (10,6%). Trong báo cáo khi đó, MasterCard dự báo Việt Nam sẽ có khoảng 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài vào năm 2021. Thế nhưng thực tế, thống kê từ ASEAN Travel 2018 cho thấy đến năm 2018, đã có khoảng 8,6 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài, vượt dự báo 2021 và tăng gấp đôi con số 4,8 triệu năm 2012.

Theo Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)