Bài cuối: Nghề chụp hình và kiếp đưa đò
Những chiếc thuyền xếp hàng mòn mỏi đợi khách ở Phong Nha. Ảnh: T.T |
“Trước kia gia đình tôi quanh năm làm ruộng. Mấy năm nay tôi học được cái nghề chụp hình và ra đây kiếm sống. Lăn lộn từ sáng đến tối cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Tuy có thoát khỏi cảnh làm nông nhưng cuộc sống vẫn chẳng khá giả gì”. Chị Nguyễn Hồng Minh người hành nghề chụp hình ở động Phong Nha chia sẻ.
Nghề “phó nháy”
Giữa trưa nắng, chị đeo trên cổ chiếc máy chụp hình chạy theo hết đoàn khách du lịch này đến đoàn khác hỏi xem có vị khách nào có nhu cầu chụp hình trong lúc chờ đò không. Khi khách đã lên thuyền hết chị liền ngồi bệt xuống đất lau mồ hôi. Hỏi chuyện, chị cho biết tên là Trần Thu Hằng, 38 tuổi hành nghề chụp hình ở đây được 10 năm. Quê chị ở Tam Điệp (Ninh Bình) nhưng theo chồng về Quảng Bình. Duyên nợ đến với nghề chụp hình cũng thật tình cờ. Một lần lên Phong Nha chơi, chị được người bạn dạy nghề và theo nó suốt từ đó đến nay. “Ngày đầu tôi mới bước vào nghề cũng lắm gian nan. Chưa biết nhu cầu của khách, kỹ thuật chụp hình hạn chế, vì vậy khi chụp hình ở trong động do thiếu sáng, hình xấu khách không lấy, thường phải “ôm” luôn số hình đó nên cả mấy tháng trời bị lỗ vốn. Trong khi đó lại phải đóng tiền lệ phí hành nghề mỗi năm 1,8 triệu đồng theo quy định. Thời gian đó tôi phải về bán lúa của chồng để trả nợ tiền rửa hình và đóng phí hành nghề”, chị Hằng kể những tháng đầu khi mới vào nghề.
Còn chị Nguyễn Hồng Minh, 22 tuổi, học hết lớp 8, lấy chồng làm nhân viên bán cơm ở nhà hàng Song Biển. Ngày mới về đây chưa biết làm gì thì được anh chồng “mách nước” là “em đi học một khóa chụp ảnh, rồi theo anh ra Phong Nha hành nghề”. Sau 3 tháng học nghề, chị xoay xở mua chiếc máy ảnh 5 triệu đồng và chập chững vào nghề. Từ ngày chị ra đây, công việc cũng bữa đực bữa cái. Vì theo chị ở động Phong Nha có gần 400 thợ chụp hình, với số lượng thợ đông như thế mà theo quy định mỗi người đi theo một chiếc thuyền, xoay tour cho đến hết, có chuyến chụp được nhiều ảnh, có chuyến về không nên việc làm ăn hoàn toàn mang tính may rủi. “Dịp này vào mùa hè, khách tham quan động đông, có ngày toàn bộ thợ cũng phải đi theo thuyền. Nhưng còn những tháng khác nhiều khi cả tuần lễ mới theo được một chuyến”, chị Hồng Minh thổ lộ.
Để có ảnh kịp thời đưa đến tay khách cũng rất gian nan. Sau khi chụp ảnh xong, vội vàng chạy đến chỗ rửa ảnh, chỉ trong vòng 25 phút là ảnh ra lò, đem tới cho khách. Còn khi hành nghề cũng lắm trần ai vì trong động tối nên người chụp hình phải tìm chỗ đắc địa để tạo ra tấm hình đẹp vừa lòng khách. Những chỗ này khách du lịch thường lui tới chụp hình rất đông, nhiều khi người chụp hình phải năn nỉ khách để có khoảng trống mà chụp. Khi chụp xong không ai nhận vì họ ở đoàn khác. “Không ít lần chụp hình cả 2-3 tiếng cho hàng chục khách. Ảnh rửa xong, tức tốc chạy tới điểm hẹn thì đoàn khách đã lên xe về mất. Thế là bao công sức đổ sông, đổ biển”, chị Minh than thở. Gặp tôi trong động Phong Nha, chị Minh cho biết là hai ngày nay, chị mới theo được hai chiếc thuyền và hai chuyến làm ăn này chị chỉ chụp được 15 tấm, mỗi tấm 10 ngàn đồng.
Kiếp đưa đò
Cũng như nghề chụp hình, nghề đưa đò ở động Phong Nha đã trở thành kế sinh nhai cho rất nhiều người dân địa phương. Tuy vậy, với những người đưa đò để có thu nhập hàng tháng được hơn một triệu đồng là bao mồ hôi nước mắt của họ đã đổ xuống dòng sông Son thơ mộng.
Theo chị Nguyễn Thanh Tâm, tổ trưởng tổ điều phối thuyền thì ở Phong Nha, mỗi khi khách tới tham quan phải đăng ký thuyền để chở từ bến vào trong động. Mỗi chiếc thuyền chở được 14 người với số tiền 220 ngàn đồng/ chuyến. Hiện toàn khu vực có khoảng trên 300 chiếc thuyền như thế chuyên phục vụ chở khách vào động Phong Nha. Những thành viên tham gia phục vụ bằng thuyền đều được phân công chạy theo tour như nhau.
Em Phan Thanh Nhàn, 16 tuổi, tay ôm mái chèo, ngồi dựa lưng vào bậc thang ở bến thuyền chờ đến lượt. Tuy mới qua tuổi trăng tròn nhưng em đã có 3 năm hành nghề chèo thuyền. Tôi tranh thủ hỏi chuyện, được em cho biết: “Cả gia đình em đều làm nghề chèo thuyền ở đây. Để có được chiếc thuyền tham gia vào hợp tác xã này, gia đình em phải bán mấy mẫu đất. Nhưng nay hành nghề rất khó khăn vì số lượng thuyền hoạt động ở đây rất nhiều”. Cũng như gia đình Nhàn, gia đình anh Đặng Thanh Minh hành nghề ở đây từ cái ngày mới phát hiện ra động. Nay người mẹ già yếu, vợ mất, anh phải một mình nuôi ba con ăn học. Mọi khoản tiền chi tiêu, học hành của con cái đều dựa cả vào những chuyến thuyền may rủi trên dòng sông này. Anh bảo: “Sắp vào năm học mới, không biết lấy tiền đâu đóng tiền học cho các cháu. Rồi mẹ tôi tuổi cao thường xuyên phát bệnh. Làm nghề thì không đủ sống, còn bỏ nghề thì chẳng biết làm gì”.
Chị Thanh Tâm kể: “Nghề nào cũng có cái khổ của nó, nhưng nghề chèo thuyền đội mưa đội gió suốt ngày thì vất vả hơn nhiều. Đã không ít người làm được vài năm quay trở lại làm ruộng vì kham không nổi, phần vì bệnh, phần vì thu nhập bấp bênh”.
Khách du lịch mỗi lần đến Phong Nha thấy khung cảnh đẹp, được đi trên dòng sông Son hiền hòa êm ả. Nhưng với những thợ chụp hình, người đưa đò ở đây đó là chỗ họ gửi cả tương lai của con cái và cuộc sống của gia đình mình. Để có miếng cơm manh áo, bao công sức, mồ hôi của họ đã đổ xuống dòng sông bởi những năm tháng mưu sinh ở đây.
Văn Mạnh
Bình luận (0)