Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Du lịch vẫn mạnh ai nấy làm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Muốn giữ khách cho riêng mình, các tỉnh vẫn phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, cũng có một số tỉnh triển khai liên kết nhưng hiệu quả không cao.
Theo một số doanh nghiệp (DN) du lịch, mặc dù đã có khá nhiều thỏa thuận triển khai liên kết du lịch vùng miền địa phương nhưng đa phần là thiếu đơn vị chủ đạo. Đặc biệt là hình thức liên kết không được triển khai đến từng DN nên hiệu quả không cao.
Mạnh ai nấy làm
Thiếu phối hợp vẫn là vấn đề làm nhiều DN lo ngại. Chỉ riêng trong hai tháng 6, 7 vừa qua, cùng lúc cả bốn tỉnh là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Ninh Thuận đều tổ chức lễ hội du lịch biển. Hình thức tổ chức gồm những hoạt động giống nhau và cùng một thời điểm khá cận, điều này không chỉ khiến cho du khách nhàm chán. Với các lễ hội cận nhau, khách du lịch bị san sẻ ra bốn nơi. Hay theo một DN lữ hành, cũng ở khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Huế mới đây cũng xuất hiện hàng loạt lễ hội văn hóa truyền thống na ná và lại trùng thời điểm.
Bên cạnh đó là tình trạng phát triển tự phát như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây từng được xem là địa điểm có nhiều đột phá về du lịch nhưng thời gian gần đây xảy ra tình trạng trùng lắp, thiếu hiệu quả. Theo khảo sát tại một số điểm du lịch miệt vườn ở khu vực Vĩnh Long, Tiền Giang, các điểm du lịch này chỉ quanh quẩn vườn cây không trái và mục đích chính là phục vụ ăn uống, cho thuê nhà nghỉ. Cũng có một điểm du lịch cho khách chèo ghe, chạy xe đạp, cho khách xem làm bánh nhưng không nhiều. Bên cạnh đó là sự chênh nhau giữa một số nhà vườn tự đứng ra làm du lịch và các công ty du lịch địa phương, dẫn đến tình trạnh đưa khách đến nơi này và không đưa khách đến nơi khác.

Nếu triển khai liên kết tốt thì với vẻ đẹp hiện có, miền Trung sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn. Ảnh: bá huy
Cần sự thống nhất trong DN
Theo ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc tiếp thị sản phẩm Công ty VietMark, hiện các địa phương phát triển rất lẻ mẻ, các khu du lịch thì na ná nhau. Một số địa phương có thỏa thuận liên kết nhưng cam kết vẫn chỉ mang tính chung chung, không phân công nhiệm vụ cho từng địa phương, không có đầu tàu và không thống nhất được cách thức hoạt động, điều hành sản phẩm nên hiệu quả không cao.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Công ty Du lịch Đất Võ, cho biết có thể thấy các tỉnh miền Trung biển rất đẹp nhưng chưa được đầu tư đúng mức, mà nguyên nhân chính là tình trạnh thiếu liên kết giữa các DN và hỗ trợ của chính quyền còn hạn chế. Muốn phát triển tốt du lịch cần phải có liên hoàn các đơn vị du lịch và cả địa phương. “Để phát triển du lịch, chúng tôi rất muốn liên kết với nhiều DN khác. Thế nhưng trong thương trường có sự cạnh tranh nên việc thiết lập liên kết hết sức khó khăn” – ông Minh cho biết thêm.
Trong một chuyến khảo sát miền Trung, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, nhận định các DN khó liên kết với nhau là do lợi nhuận, tâm lý lo sợ mất khách. Nhiều DN vẫn muốn phát triển nhiều lĩnh vực và muốn lợi nhuận cao nên sẵn sàng đổi đối tác hợp tác.
Theo một số nhận định, trong du lịch nếu liên kết tốt thì sẽ cắt giảm được nhiều chi phí, khách có nhiều cơ hội trong việc chọn địa điểm phù hợp. Đơn cử như tại Singapore, để thu hút du khách, các địa điểm du lịch vườn chim dù nằm ở các quận khác nhau nhưng khi du khách mua vé cùng lúc ở ba điểm sẽ được giảm giá 30%.
Liên kết bài bản sẽ hiệu quả
Trong các mô hình liên kết, chương trình liên kết “Du lịch về cội nguồn” giữa ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ được nhiều DN đánh giá cao. Chương trình đã kéo dài sáu năm liên tục và các tỉnh luân phiên nhau làm nhóm trưởng.
Theo ban tổ chức, kể từ khi xây dựng sản phẩm du lịch “Về cội nguồn”, diện mạo kinh tế, xã hội và văn hóa của ba tỉnh có nhiều thay đổi. Trên địa bàn ba tỉnh đã có gần 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó hơn 100 cơ sở từ một đến bốn sao, trên 500 khách sạn và 260 nhà hàng phục vụ du khách. Năm 2010, thông qua chương trình du lịch về cội nguồn, lượng khách tới ba tỉnh ước đạt 2 triệu lượt với doanh thu trên 1.000 tỉ đồng.
BÁ HUY / Phap luat

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)