Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du lịch Việt Nam đang giảm sức cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 5 là lúc mảng du lịch quốc tế bước vào mùa thấp điểm và cũng là lúc các công ty phục vụ khách châu Âu phải đưa ra bản báo giá cho đến giữa năm 2010. Để giành được nhiều hợp đồng đón khách cả năm, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đưa ra nhiều chương trình quảng bá, khuyến mãi du lịch rất rầm rộ. Thế nhưng du lịch Việt Nam lại đang mất đi sức hấp dẫn do giá tour vẫn ở mức cao và hoạt động quảng bá quá yếu.

Nhiều vẻ đẹp hoang sơ đang dần biến mất làm du lịch Việt Nam giảm sức thu hút

Trong quý I-2009, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái – đây là mức giảm nghiêm trọng nhất kể từ sau dịch SARS năm 2003. Chương trình “Ấn tượng Việt Nam” đã không đạt hiệu quả thu hút khách nước ngoài như mong đợi và cũng chưa có dấu hiệu sẽ tiếp tục được triển khai tốt hơn. Kế hoạch quảng bá “TP.HCM 100 điều hấp dẫn” vẫn chưa bắt đầu.

Trong khi đó, tại Singapore, ngoài tháng 6 là tháng bán hàng giảm giá quy mô lớn như mọi năm, nước này vừa đưa ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách như giảm giá vé máy bay, giảm thuế, giảm giá vé nhiều điểm tham quan… Malaysia cũng đang quảng bá 168 lý do để đến nước này với những ưu đãi tương tự, thêm tháng bán hàng giảm giá (tháng 7). Indonesia giảm thuế sân bay và cấp ngân sách cho việc quảng bá lên hơn 20 triệu USD.

Ngoài ra, giá tour tại Macao, Hàn Quốc, Đài Loan đều giảm từ 20 đến 30%… Nhìn chung so với các nước láng giềng, ngành du lịch Việt Nam có mức giảm giá ít nhất và sức quảng bá cũng yếu nhất.

Du khách chuẩn bị tham quan VN bằng xích lô

Các công ty du lịch đưa khách từ châu Âu đang yêu cầu các đối tác ở Đông Nam Á giữ nguyên mức giá như hiện nay, thậm chí phải giảm hơn nữa cho đến cuối 2010 thì mới đảm bảo lượng khách không sụt giảm. Các nước láng giềng hầu hết đã có chiến lược giá đồng bộ và lâu dài, còn tại Việt Nam, việc giảm giá vẫn chỉ do một số công ty du lịch thương lượng với từng khách sạn nên khó ký được nhiều hợp đồng lớn.

Hơn nữa, một số khách sạn cao cấp tuy đồng ý giảm giá nhưng chỉ ký hợp đồng đến hết tháng 10 năm nay. Cũng như những năm trước, đến mùa cao điểm, các công ty lữ hành sẽ phải đàm phán, thỏa thuận lại mức giá cho từng đoàn khách.

Tại Thái Lan, bất ổn chính trị lại tiếp diễn đúng thời điểm chuẩn bị ký hợp đồng đón khách cho cả năm nên nhiều công ty du lịch châu Âu ngần ngại ký hơp đồng mới. Tuy nhiên cũng như nhiều lần trước, xem ra Việt Nam không đủ điều kiện để tận dụng cơ hội thuận lợi này. Gần đây, các nước Lào, Campuchia, Myanmar đã cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam nhờ lợi thế giá rẻ và phong cảnh còn hoang sơ.

Cô Maeve Nolan, một quản lý của Công ty Exotissimo Vietnam còn cho biết thêm, thủ tục visa và phí sân bay cao là một trong những yếu tố đầu tiên làm nhiều du khách không chọn Việt Nam mà chọn Lào và Campuchia.

Thời gian qua, trong các chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch thì chỉ có việc giảm thuế VAT từ 10 xuống 5% là đáng chú ý. Tuy nhiên, theo nhiều người trong ngành du lịch, việc làm này không giúp Việt Nam tăng thêm được bao nhiêu sức cạnh tranh về giá. Chỉ có một số khách sạn nhỏ từ ba sao trở xuống có giảm giá nhẹ, còn khách sạn lớn chỉ giảm giá cho đoàn khách ở hai, ba đêm trở lên.

Ông Edouard George – Chủ tịch Tập đoàn Phoenix Voyages, cho biết việc giảm thuế VAT chỉ làm những khách hàng mua tour mức giá 2.000 USD của họ giảm được một đến ba phần trăm, bởi những chi phí khác vẫn giữ mức cũ.

Hiện nay tại Việt Nam, công suất phòng bình quân của các khách sạn chưa được 50%. Tại nhiều công ty du lịch, nhân viên chỉ làm việc năm, sáu giờ một ngày. Nhiều người dự đoán tình hình sẽ còn ảm đạm hơn nữa trong mùa thấp điểm.

Theo CẨM TÚ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)