Câu chuyện “tái thiết” ngành du lịch sau khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 trong một thời gian dài đang được xem là vấn đề cấp bách và quan trọng trong thời điểm hiện tại. Với chủ đề năm du lịch xanh, ngành du lịch Quảng Nam đang từng bước khẳng định hướng đi đúng nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa bản địa.
Du khách tham quan và trải nghiệm du lịch xanh tại làng rau Trà Quế (Quảng Nam)
Du lịch xanh – xu thế tất yếu
Không phải đến bây giờ, nhiều năm qua, Quảng Nam đã hình thành các mô hình phát triển du lịch xanh. Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, ngành du lịch Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án, hoạt động du lịch xanh như triển khai dự án quản lý rác thải với doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn tại Hội An; tour du lịch nông nghiệp giúp du khách trải nghiệm làm nông; du lịch rừng dừa bảy mẫu… và nhiều mô hình khác đều hướng về bảo vệ môi trường. Du lịch xanh là thương hiệu đã được Hội An phát triển nhiều năm nay và bây giờ chính là động lực kích cầu để thu hút du khách trở lại.
Cũng theo ông Thanh, khủng hoảng Covid-19 như hồi chuông cảnh tỉnh cho chặng đường du lịch đã đi qua. Để tạo hướng đi bền vững, ngành du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những nhà làm du lịch và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ. “Du lịch bền vững Quảng Nam – du lịch không rác thải nhựa”, kế tiếp – du lịch “xanh” là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa – di sản và tài nguyên thiên nhiên… Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu – dài hạn và thiện chí đồng hành.
Theo ông Thanh, quản lý Nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu; cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp; thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, tái tạo; chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch ở Quảng Nam; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên.
Tour du lịch xanh ở rừng dừa Bảy Mẫu (Quảng Nam) thu hút khách tham gia
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, những năm qua, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, lượng khách đến và doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2019, Quảng Nam đón hơn 7,6 triệu lượt khách. Thương hiệu du lịch Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn được các tổ chức, tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn nhiều giải thưởng danh giá. Về chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch tỉnh Quảng Nam. Đáng chú ý từ năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã có bước chuyển hướng đầu tư phát triển du lich xanh và xem đây là kim chỉ nam cho sự phục hồi và phát triển ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. “Để có quyết định chuyển hướng mạnh mẽ này ngành du lịch đã ấp ủ ý tưởng từ vài năm trước cùng với sự đồng hành thử nghiệm của doanh nghiệp và cộng đồng qua các dự án cho kết quả khả thi. Chuỗi sản phẩm du lịch xanh đang được kỳ vọng là hướng phát triển tiềm năng của tỉnh Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng. Không chỉ thân thiện với môi trường, mô hình này còn giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách”, ông Hồng nói.
Liên kết để phát triển
Trong chương trình Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất – Quảng Nam năm 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 30-4 đến ngày 4-5 sắp tới, với chủ đề “Sản phẩm nghề truyền thống hướng tới du lịch xanh”, Festival sẽ giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng và thế mạnh của vùng đất, con người Quảng Nam trên các lĩnh vực. Tôn vinh các nghệ nhân có đóng góp và giữ gìn, phát triển làng nghề Việt. Đặc biệt, Festival sẽ tổ chức con đường nghệ thuật “Nghề truyền thống – di sản độc đáo miền Trung”. Đây được xem là hoạt động kết nối giới thiệu điểm đến để các tỉnh lân cận tìm cơ hội thu hút khách du lịch đến với miền Trung. Theo ban tổ chức, có 10 gian nhà cổ truyền thống được dựng làm điểm trưng bày sản phẩm làng nghề và trình diễn nghề, bao gồm các nghề truyền thống của người dân Quảng Nam và các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai…
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có quyết định ban hành bộ tiêu chí Du lịch xanh. Đây là địa phương đầu tiên cả nước ban hành Bộ tiêu chí này. Theo đó, bộ tiêu chí được xây dựng sự hỗ trợ của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP), có tham khảo tiêu chí của 25 bộ tiêu chí quốc tế và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bộ tiêu chí gồm có 6 lĩnh vực gồm: du lịch khách sạn; nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; khu nghỉ dưỡng; doanh nghiệp lữ hành; điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan. |
Nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách, ba tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng đã ký kết liên kết chuỗi sản phẩm du lịch. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề nhất khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng đây cũng là ngành khôi phục nhanh nhất sau dịch bệnh được kiểm soát. Việc liên kết giúp các địa phương cùng nhau vượt qua khó khăn, triển khai các gói kích cầu du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá nhằm phục hồi và phát triển. Chương trình liên kết hành động phát triển du lịch “Ba địa phương – một điểm đến” kỳ vọng tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, cung cấp cho du khách nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng.
Mới đây, tại Hà Nội, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng đã tổ chức công bố các sự kiện văn hóa – du lịch và sản phẩm kích cầu năm 2022. Việc liên kết, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm cộng đồng của các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, các địa phương sẽ là chìa khóa mở cánh cửa du lịch sau 2 năm đình trệ vì Covid-19.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)