Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Du ngoạn Vân Long

Tạp Chí Giáo Dục

Hè về, một danh thắng không thể thiếu trong tấm bản đồ du lịch của bạn là đầm Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đầm được dân địa phương và du khách ngợi ca là một “Hạ Long trên cạn” hay “Hạ Long không tiếng sóng”.

Cái nóng gay gắt ngày hè thôi thúc chúng tôi tìm về đầm Vân Long, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ.

Trên chiếc xe ôm phóng vun vút qua con đê dài 6km dẫn vào khu trung tâm của đầm, chúng tôi may mắn được chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình nơi đây: hoa tím, hoa đỏ đua nở hai bên đường, mây trời in bóng dưới làn nước trong xanh, những ngọn núi trùng điệp ẩn hiện trong mây mù…

Chúng tôi đỗ tại bến thuyền với những chiếc thuyền nan nằm san sát, im lìm giữa một vùng trời mây nước bát ngát, cũng là khu trung tâm của đầm Vân Long. Hành trình du ngoạn đầm bắt đầu từ đây. Người phụ nữ chèo thuyền chở chúng tôi tên là Lan, cũng là một hướng dẫn viên tận tình, từng nhịp chèo của chị nhẹ nhàng, khoan thai, vì thế chúng tôi được thưởng thức lâu hơn, kỹ hơn những cảnh đẹp bên đường.

Những chú trâu tắm mát giữa vùng sông nước

Dù trời đã về chiều, nhưng chị vẫn chưa được về bên mâm cơm trưa cùng gia đình. Chị Lan tâm sự, mùa Hè, du lịch ngoài trời thế này dường như không mấy hấp dẫn với những ai sợ nắng, nên hơn 400 người chèo thuyền du lịch như chị bị thất nghiệp thường xuyên. Chúng tôi là những vị khách đầu tiên của chị trong tháng này, vì vậy mà có phần được ưu ái hơn.

Khua nhẹ mái chèo, chị đưa chúng tôi ra giữa đầm phẳng lặng, nước trong vắt như gương, in bóng núi non, trời mây. Phía dưới là những thảm thực vật tràn đầy nhựa sống, như tóc tiên, cây răng cưa, rong đuôi chó… Những đám liễu, năn, lác rậm rạp, cao quá đầu người càng làm cho cảnh sắc nơi đây thêm hoang sơ.

Cảnh người dân đi thuyền để lùa vịt trên sông

Mải ngắm nhìn những chú bìm bịp ngụp lặn, chúng tôi lọt vào trong một hang động lúc nào không biết, đó là hang Bóng. Hang có chiều dài hơn 100m, với cấu trúc nửa chìm nửa nổi, như một thiên đường, quả xứng với danh xưng “Hạ Long giữa đồng bằng”.

Những cảnh tượng bất ngờ, thú vị hiện dần ra theo từng nhịp chèo. Trên trần hang là cả một công trình kiến trúc kỳ công của thiên nhiên. Du khách thích thú ngắm nhìn những nhũ đá ngàn năm tuổi rủ xuống, mang những hình dáng lạ kỳ: cô tiên, bông hoa, cái quạt, con cá, con cua…
Bên sườn hang còn có nhiều hang nhỏ khác. Sóng vỗ vào vách hang tấu lên những âm thanh lạ tai, khi thì như tiếng chuông ngân, khi thì như tiếng đàn rủ rỉ… Trong hang lấp lánh những đốm sáng phát ra từ dải nhũ đá trên trần. Trần hang không cao nên du khách có thể thoải mái lướt nhẹ tay trên những nhũ đá nhẵn mịn hay ghồ ghề, mát lạnh.
Chị Lan bảo: “Thật may là mùa này nước chỉ lưng chừng, vừa tầm cho thuyền vào, chứ mùa Đông, nước xuống cạn, hay mùa nước cả sẽ không thể vào hang được”. Vì vậy, nếu thích, du khách có thể lội xuống nước để tự mình khám phá mọi ngóc ngách trong hang.
Đi hết hang Bóng, chúng tôi ghé qua hang Cá tại chân núi Hoàng Quyển. Tương truyền, xưa kia nhân dân trong vùng bắt được con cá lạ nặng đến hàng trăm cân, từ đó mới đặt tên hang như vậy. Hang này còn là nơi trú ngụ của nhiều loài cá, như cá trê, cá chép, cá rô…

Điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình là “vịnh” Kẽm Trăm. Ở đây có hai dãy núi dựng đứng như chiếc phi tiêu song song cắm giữa trời và nước. Khi thuyền vào “vịnh”, gió và sóng xô làm chông chênh cả tay lái của người đã gắn bó với sông nước mấy chục năm.

Sóng vỗ vào sườn núi, khoét thành những hang, những mái đá sâu đến chục mét. Ánh nắng mặt trời phản chiếu vào vách đá, vào làn nước tạo nên những sắc màu lạ mắt. Cảnh tượng này gợi cho chúng tôi nhớ đến câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi nói về Kẽm Trống: “Hai bên là núi, giữa là sông…
Gió đập cành cây khua lắc cắc/ Sóng dồn mặt nước vỗ long bong”. Chúng tôi cũng nhớ đến câu chuyện về những người kiếm củi ở Vân Long mà bác tiều phu già đã kể cho nghe vài tiếng trước đó: trước đây thanh niên trai tráng thường hay lên núi kiếm củi, chiều đến họ lại nhảy xuống dòng nước cùng những gùi củi trên vai để về nhà trước khi trời tối. Bây giờ không còn người kiếm củi, nhưng thỉnh thoảng khách Tây vẫn hay xuống dòng sông này tắm.
Sau gần hai giờ, chuyến du ngoạn bằng thuyền nan của chúng tôi cũng kết thúc, vừa lúc trời dần tắt nắng, bầu trời xanh hơn. Chúng tôi không đi xe mà cuốc bộ trên con đê để hóng mát và tranh thủ ngắm cảnh dọc đường. Cứ một đoạn lại bắt gặp những anh chàng thả lưới bắt cá, hay bác chèo thuyền lùa đàn vịt về chuồng, cảnh những đàn trâu, bò nhẩn nhơ tắm mát, gặm cỏ… Lòng tự nhủ, hẹn gặp lại Vân Long vào một ngày gần nhất!
Đầm Vân Long rộng 3.500ha, nằm trải dài trên địa bàn bảy xã của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1960, khi nhân dân đắp đường đê dài trên 30km để trị thủy sông Đáy đã tạo ra một vùng đất ngập nước mênh mông giữa đồng bằng này.
Với 45.000 đồng/vé/người, du khách sẽ được đi thuyền nan dạo trên đầm, khám phá những hang động, như: hang Cá, hang Bóng, hang Rùa; hay những ngọn núi có hình thù kỳ lạ, như: núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Đặc biệt, còn có cơ hội ngắm những động vật quý hiếm, như: voọc quần đùi trắng, rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, tắc kè, gấu ngựa, cu li lớn, khỉ mặt đỏ… cùng các loại cây như kiềng, lát hoa, tuế lá rộng…
Theo DNSG

Bình luận (0)