Dự thảo lần thứ 13 Chiến lược Giáo dục 2008-2020 vừa được Bộ GD-ĐT công bố đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, đội ngũ giáo viên và dư luận xã hội…
> Giáo dục chuyên nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất ổn
> Góp ý cho Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục
“Tuy nhiên, dù được xây dựng trên cơ sở quan tâm của ngành cũng như của Chính phủ để đẩy giáo dục lên, nhưng dự thảo chiến lược đã đặt ra một số chỉ tiêu duy ý chí” – GS. Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nói.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc Bộ GD-ĐT xây dựng chiến lược giáo dục đến năm 2020 và công bố lấy ý kiến toàn dân vào thời điểm này rất có ý nghĩa. Cụ thể như mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có 5 trường ĐH lọt vào top 200 của thế giới.
Ông tán thành với đánh giá của một chuyên gia nước ngoài đã từng nói, mục tiêu này là không tưởng. Vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay là VN có cần đưa ra mục tiêu như vậy không, hay là cần có những nhiệm vụ hiện thực hơn như: phấn đấu 70%-80% sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc thì phù hợp hơn với hoàn cảnh đất nước.
“Tôi cũng không tán thành đối với việc đầu tư xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm và nhìn lại bài học đầu tư cho 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với số tiền rất lớn nhưng hiệu quả rất thấp. Và cho đến nay, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm trọng điểm này đã lạc hậu, trong khi bản thân nó cũng không sản sinh ra giá trị. Và bây giờ, các phòng thí nghiệm trọng điểm này lại tiếp tục kêu Nhà nước tái đầu tư”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Đối với ĐH đẳng cấp quốc tế cũng vậy, có nhiều tiêu chuẩn không rõ ràng, dễ dẫn đến chi tiêu tiền lãng phí. Kế hoạch này còn không hiện thực ở chỗ bắt đầu từ con số 0. Những trường muốn vươn lên ngang hàng với thế giới là những trường có truyền thống, bề dày lịch sử từ hàng chục đến hàng trăm năm, có đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học hùng hậu… bởi giáo dục có tính kế thừa.
Mặt khác, trường ĐH đó, dù có được xây dựng theo “kiểu mới” thì vẫn nằm trong bối cảnh xã hội Việt Nam.
Ngoài ra, tuổi thọ chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) ở các nước thường được vài năm. Ở Việt Nam, chương trình GDPT mới được triển khai từ năm 2002 thì đến năm 2015, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu thay đổi cũng là cần thiết. Nhưng vấn đề phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ như cử cán bộ đi học ở nước ngoài…
Một chương trình phải xây dựng mất 2 năm, thí điểm mất 4 năm; như vậy là phải mất 6 năm để có chương trình chính thức. Việc Bộ GD-ĐT đặt vấn đề đưa các giáo viên phổ thông vào làm chương trình là rất khó thực hiện, chỉ nên tham gia vào một vài công đoạn biên soạn.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, lâu nay chúng ta “loay hoay” hơi lâu ở bậc GDPT. Từ ngày hòa bình đến nay, chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách, thay đổi chương trình GDPT nhưng ĐH vẫn chưa có chuyển biến gì. Gần đây nhất, năm 2000, chương trình GDPT lại thay đổi nhưng không gọi là cải cách nữa (bởi cải cách gắn với thay đổi cả một hệ thống) và được gọi với cái tên đổi mới chương trình giáo dục phổ thông…
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, nên tạm gác vấn đề GDPT lại, chỉ thay đổi một chút là bổ sung thêm nhiều bộ sách giáo khoa. Ngành GD-ĐT cần tập trung vào vấn đề nhức nhối hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, dự thảo có đưa ra chỉ tiêu phát triển giáo dục mầm non với việc “thực hiện phổ cập giáo dục một năm cho trẻ 5 tuổi, để chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp một, đến năm 2020 có 99% trẻ 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1” là một chỉ tiêu duy ý chí.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non vẫn thiếu nghiêm trọng trong khi chi ngân sách cho bậc học mầm non không đáng kể, phần lớn thu nhập của giáo viên mầm non đều rất thấp (khoảng 500.000 đồng/tháng), nhất là ở những trường mẫu giáo dân nuôi… nên khó thu hút giáo viên.
Đinh Lan (SGGP)
Bình luận (0)