Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dự thảo Chiến lược giáo dục 2009 – 2020: Chỉ tiêu cần gắn với ngân sách giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp theo loạt hội thảo góp ý cho dự thảo Chiến lược giáo dục 2009 – 2020, hôm qua 27-2, tại 4 điểm cầu (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ), Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe góp ý của các trường ĐH, CĐ.
Trường ĐH “e ngại” trước nhiều mục tiêu
Với mục tiêu 450 SV/vạn dân vào năm 2020 – một con số mà nhiều người cho là “lãng mạn” – bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GDĐH, giải thích con số này không phải vô cớ mà đặt ra. Trên thế giới nếu một quốc gia có dưới 15% người trong độ tuổi 18 – 22 học ĐH, CĐ sẽ tương ứng với nền kinh tế nông nghiệp, tỷ lệ 15% – 50% là nền kinh tế công nghiệp và trên 50% là nền kinh tế trí thức.
“Chúng ta phấn đấu nằm trong mức 2 căn cứ vào sự phát triển dân số, khả năng thích ứng của nền kinh tế. Năm 2020 dự kiến dân số VN là khoảng 100 triệu người, trong đó số lượng người từ 18 – 22 tuổi khoảng 15 triệu. 4,5 triệu sinh viên tức là bằng khoảng 30% – 35% của số người từ 18 – 22 tuổi”. Các giải pháp đưa ra để đạt chỉ tiêu này là việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên với đề án 20.000 tiến sĩ; xây dựng giáo trình, tài liệu điện tử…
Cũng theo bà Hà, kế hoạch 15.000 SV nước ngoài theo học tại VN và mục tiêu 80% SV tốt nghiệp được sử dụng cũng có khả năng thực hiện được vì đang triển khai 23 chương trình tiên tiến cùng với việc xây dựng đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường thành lập bộ phận theo dõi SV có việc làm sau khi tốt nghiệp trong thời gian từ 8 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng, lại vô cùng e ngại về mục tiêu 30% giảng viên đại học đạt trình độ tiến sĩ. Theo ông Nghị, mục tiêu này đặt ra rất phù hợp với các trường công lập, nhưng đối với các trường ngoài công lập thì phải có quyết tâm mạnh và có đầu tư thỏa đáng thì mới làm được.
Trả quyền tự chủ cho trường ĐH
Từ đầu cầu TPHCM, TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, góp ý thẳng thắn: Bộ GD-ĐT cần đổi mới quản lý các chương trình hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo theo hướng trả quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các trường. Bộ GD tập trung nghiên cứu các khác biệt trong hệ thống giáo dục các nước so với nước ta để không ngừng cải tiến hệ thống giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại và hiệu quả, tăng tính cạnh tranh cho đất nước; đồng thời, xác định các nguyên tắc liên thông, công nhận văn bằng, tín chỉ của nhau giữa các trường Việt Nam và quốc tế.
Có lộ trình thực hiện minh bạch và các tiêu chí định lượng như đối với các giải pháp khác. TS Phượng cũng tán thành chủ trương hiệu trưởng (thật ra là đội ngũ sư phạm của từng trường) quyết định mức lương cho giảng viên, nhân viên căn cứ trên hiệu quả làm việc của cá nhân.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Chim Lang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: Về việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần thay đổi nhanh cơ chế tuyển dụng đội ngũ bằng chế độ hợp đồng thay cho biên chế để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo…
Đa số các đại biểu đều cho rằng chỉ tiêu đề ra trong chiến lược cần phải gắn với ngân sách giáo dục, vì nếu ngân sách giáo dục không tăng thì các chỉ tiêu đề ra rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, xã hội hóa là một xu thế tất yếu trong bối cảnh trường công không thể gồng gánh hết được.
Tuy nhiên, xã hội hóa cũng phải quan tâm đến chất lượng đào tạo ở các trường. Vì vậy, cần có chiến lược công tư phối hợp (trường công cung cấp nhân lực giảng dạy, trường tư cung cấp cơ sở vật chất…).
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM Nguyễn Kim Phúc cũng cho rằng: Với mục tiêu xã hội học tập, học tập suốt đời thì vai trò của ĐH Mở rất quan trọng, quy mô đào tạo của các nước ở hình thức này cũng rất lớn. Ở Việt Nam, quy mô đào tạo của ĐH Mở gấp 3 lần ĐH chính quy, do đó rất cần sự quan tâm của nhà nước. Do đó, cần có giải pháp rõ ràng để thực hiện các mục tiêu đề ra.
LÊ LINH – ANH NHI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)