Sáng 27.2, bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức góp ý cho dự thảo Chiến lược giáo dục Việt Nam 2009 – 2020 ở khối các viện nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng với hơn 800 nhà khoa học, nhà giáo và quản lý giáo dục của 250 viện, trường tham gia tại bốn đầu cầu truyền hình trực tiếp: Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng và Cần Thơ. Mặc dù dự thảo đã được chỉnh sửa tới lần thứ 14, nhưng các nhà giáo và nhà quản lý giáo dục vẫn cho rằng: bản dự thảo chưa được hoàn thiện.
Chưa xứng tầm “chiến lược”
PGS-TS Thái Bá Cần, hiệu trưởng đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, nhiều giải pháp đề ra không phải là giải pháp. Một số mục tiêu đưa ra không có giải pháp thực hiện như chỉ tiêu đến 2010 giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống 10%; thu hút khoảng 15.000 sinh viên nước ngoài tới học tại Việt Nam; đến năm 2020, có 80% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên; 100% giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt trình độ đại học trở lên.
Hiệu trưởng trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM – Võ Văn Sen thẳng thắn: “Nếu chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020 là kế hoạch dài hạn thì ổn, còn là chiến lược quốc gia thì cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng nhiều. Ngay cả phần hạn chế, bản dự thảo chưa nói được tồn tại của giáo dục Việt Nam là mâu thuẫn giữa chất lượng và số lượng, giữa cung và cầu”.
Viện sinh học nông nghiệp (trường đại học Nông nghiệp Hà Nội) vừa nghiên cứu và ứng dụng thành công “Công nghệ khí canh” trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, cho năng suất và chất lượng cao. Theo công nghệ mới này, cây giống được ươm trồng trong các thùng xốp, toàn bộ rễ cây nằm trong không khí và được phun dinh dưỡng bằng hệ thống máy bơm điều khiển tự động hoá. Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là có thể sản xuất cây giống quanh năm; các chi phí về nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể và năng suất củ khoai tây giống cao gấp năm đến bảy lần so với trồng trên đất thông thường. Ảnh: TL |
Nguồn lực để hiện thực hoá mục tiêu?
TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng đại học Hoa Sen đề nghị bổ sung vào giải pháp đổi mới quản lý giáo dục là, “đổi mới chương trình hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo theo hướng trả quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường; cải tiến giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả, tăng tính cạnh tranh; xác định nguyên tắc liên thông, công nhận văn bằng, chứng chỉ lẫn nhau giữa các trường trong nước và quốc tế”. Về xây dựng đội ngũ nhà giáo, theo bà Phượng, cần xác định tỷ lệ đào tạo trong nước phù hợp với năng lực thật của các cơ sở đào tạo để tránh sản xuất “bằng thật, học giả”.
TS Võ Văn Sen cho rằng, chương trình đào tạo hai vạn tiến sĩ, hay 30% giảng viên đại học là tiến sĩ đến năm 2020, đều là duy ý chí. Bởi vì, theo ông, tại sao không đưa ra những giải pháp thay đổi cách quản lý, những chương trình kích thích học tập nghiên cứu dựa vào sức dân? Trong khi Nhà nước bỏ hàng ngàn tỉ đồng để đào tạo, thì lại không có cách sử dụng hàng chục ngàn du học sinh.
PGS Trương Ngọc Thục, chủ tịch HĐQT trường cao đẳng Viễn Đông cho rằng, mấu chốt để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục là phải nhanh chóng cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân thành một hệ thống thống nhất, tập trung quản lý nhà nước về bộ Giáo dục và đào tạo. Còn TS Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng trường đại học Văn Hiến lo lắng về nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của chiến lược. Hiệu trưởng trường đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chiến lược này mới khoanh vùng ở ngành giáo dục, chưa phải ở tầm quốc gia, nên khó giải quyết được những tồn tại của ngành đang đặt ra.
Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo hồi tháng 1 vừa qua, viện Nghiên cứu giáo dục (trường đại học Sư phạm TP.HCM) đã nhận xét: “Cách làm cũ, tư duy cũng khá cũ, nhưng vẫn còn tiếp tục sử dụng cho những mục tiêu lớn và mới”. Theo viện này, xây dựng chiến lược cần phải trả lời được ba câu hỏi: Chúng ta đang đứng ở đâu? Chúng ta muốn gì và đi đến đâu vào năm 2020? Làm thế nào để chúng ta đi được đến đấy? Điều đáng chú ý là, vấn đề nguồn lực để hiện thực hoá các mục tiêu trong chiến lược, lại không được nói đến trong dự thảo này.
Như Thuần (SGTT)
Bình luận (0)