Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục (2008-2020): Tuần tới sẽ công bố, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false VI X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4

(GD TP.HCM): – Hôm qua, ngày 14-10, GS Phan Văn Khang, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục (KHGD) Việt Nam cho biết: sau hơn một năm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam (2008-2020), đến nay về cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị xây dựng. Tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố bản dự thảo chiến lược lần cuối (thứ 12) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận xã hội và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 11-2008.

Dự thảo chiến lược này được giao cho Viện KHGD là cơ quan đầu mối tập hợp, bắt đầu xây dựng từ tháng 7-2007. Dự thảo lần đầu tiên được xây dựng trên cơ sở hội thảo khoa học với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu về giáo dục của đất nước, tiếp đó là góp ý của hiệu trưởng tất cả các trường cao đẳng, đại học và giám đốc các sở GD-ĐT trong cả nước. Trên tinh thần thực sự cầu thị và nghiêm túc, khoa học, gần đây (9-2008), sau nhiều lần chỉnh sửa, tiếp thu, bản dự thảo chiến lược phát triển giáo dục mới đã được gửi tới tận tay 20 cựu giáo chức là các nhà giáo lão thành cách mạng và tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Trước khi công bố rộng rãi cho dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo, làm việc với hơn 100 nhà giáo lão thành, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội…

GS Phan Văn Khang cho biết: về cơ bản, chiến lược phát triển giáo dục lần này mang tính cải cách. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều đồng tình với cấu trúc của bản chiến lược, thừa nhận sự nghiêm túc của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số ý kiến chưa đồng tình. Một số ý kiến cho rằng nên xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 thay vì 2008-2020 để mang tính kế thừa tiếp theo bản chiến lược đã được xác định cho giai đoạn trước đây là 2001-2010. Vẫn còn những tranh luận chưa thống nhất trong khi đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Có những ý kiến trái ngược cho rằng chiến lược đánh giá quá lạc quan, lại có ý kiến cho rằng chiến lược cần nhấn mạnh và tô đậm hơn những thành tựu mà giáo dục Việt Nam đã đạt được. Có ý kiến đánh giá rằng chiến lược quá chi tiết, quá nhiều chỉ tiêu cụ thể và mang dáng dấp như một bản kế hoạch, cần có tầm khái quát cao hơn nữa. Có ý kiến đề xuất nên thay chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn tới bằng một đề án cải cách giáo dục để thực sự tạo ra bước chuyển mới cho giáo dục nước nhà;…

Bên cạnh việc đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập nhóm đặc trách để tiếp thu và phản hồi mọi ý kiến đóng góp trên mạng edunet.vn. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo tất cả các trường cao đẳng, đại học tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo chiến lược của sinh viên và giảng viên; các sở GD-ĐT lấy ý kiến đóng góp của học sinh, giáo viên và hội phụ huynh.

H. Hoa

Bình luận (0)