Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục năm 2009-2020: Điểm nhấn và giải pháp đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện giai đoạn cuối của Chiến lược giáo dục 2001-2010, Chiến lược giáo dục 2009-2020 với một số điều chỉnh đã được Bộ GD-ĐT hoàn thiện bản dự thảo và đưa ra lấy ý kiến lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí tại cuộc gặp vào ngày 18-12.

> Bộ GD-ĐT sơ kết kiểm định chất lượng giáo dục đại học

> Đổi mới giáo dục: Đột phá từ quản lý

Giờ học Địa lý của học sinh khối lớp 8 Trường THCS Thành Công (Hà Nội).
Ảnh: Nguyệt Ánh

Đích thân Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc gặp với tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí này. Mang tính cải cách cao, chiến lược đã đề ra các mục tiêu phấn đấu trong vòng 20 năm tới cùng các giải pháp đột phá…

 

Bản dự thảo lần thứ 13 này, theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đã có những điều chỉnh mạnh mẽ. Theo đó, từ nay đến năm 2020, giáo dục Việt Nam phải đạt được các mục tiêu chiến lược nhằm xây dựng một nền giáo dục hiện đại, khoa học, dân tộc, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế.

 

Điểm nhấn là giáo dục đại học

 

Giáo dục ĐH chính là một điểm nhấn trong chiến lược lần này. Bộ đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ sinh viên (SV) lên, đạt 450/vạn dân vào năm 2020. Về việc mở rộng quy mô giáo dục ĐH ngoài công lập, ngành phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ SV trong các cơ sở ngoài công lập chiếm 30-40% tổng số SV cả nước. Đến năm 2020 có khoảng 15.000 SV nước ngoài đăng ký vào học tại các trường ĐH Việt Nam. Cũng vào thời điểm đó mục tiêu đặt ra là phải có ít nhất 5 trường ĐH được xếp hạng trong số 50 ĐH hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường ĐH lọt vào nhóm 200 trường hàng đầu thế giới, có ít nhất 5% tổng số SV tốt nghiệp ĐH có trình độ ngang bằng với SV tốt nghiệp loại giỏi ở các trường ĐH hàng đầu trong khối ASEAN. Năm 2015, chúng ta sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng 4 trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế.

 

Yêu cầu cao về khả năng ngoại ngữ

 

Với mục tiêu tiếp cận được với chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế, ngay từ bậc giáo dục phổ thông, chiến lược đã đặt ra yêu cầu khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, trong học tập và vận dụng vào cuộc sống của các em phải tương đương với HS các nước phát triển trong khu vực. Học sinh tiểu học được học chương tình tiếng Anh mới từ lớp 3 và 70% số này đạt mức độ 1 theo tiêu chuẩn ngoại ngữ quốc tế vào năm 2020. Đối với giáo dục trung học, HS sẽ được học một cách liên tục và hiệu quả chương trình ngoại ngữ mới để đến cuối thập kỷ thứ  2 của thế kỷ 21 có trình độ ngoại ngữ ngang bằng với các nước trong khu vực. Đặc biệt, với giáo dục đại học, SV phải có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và làm việc sau khi tốt nghiệp, 80% số SV tốt nghiệp đạt mức 3 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế.

 

Đột phá ở con người

 

Để đạt được những mục tiêu trên, dự thảo chiến lược đã đề ra 11 giải pháp. Trên hết, có 2 giải pháp được coi là mang tính đột phá là đổi mới quản lý giáo dục và xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ cho biết sẽ thực hiện dần việc bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục ĐH, thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương và các cơ sở giáo dục; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cơ sở đào tạo, kiên quyết thúc đẩy thành lập hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục ĐH để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của đơn vị.

Giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đặt ra việc nhanh chóng tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ giáo viên. Chính sách khuyến khích đối với nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng được thể hiện bằng việc năm 2009 bắt đầu thí điểm để tiến tới thực hiện việc hiệu trưởng quyết định mức lương cho từng giáo viên, giảng viên dựa trên kết quả công tác của cá nhân ở các cơ sở giáo dục.

 

Dự kiến, trong tháng 12, Bộ GD – ĐT sẽ tiếp tục công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục năm 2009 – 2020 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà chuyên môn và dư luận xã hội.

 

Thúy Quỳnh (Hà Nội mới) 

Trong cuộc gặp mặt một số tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí để lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020, Bộ GD-ĐT đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu:

 

– Ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng biên tập báo điện tử Vietnamnet): Về nhân lực của ngành giáo dục, theo tôi tản mạn trong ngành giáo dục và ngoài xã hội còn rất nhiều người tài. Bộ nên có những giải pháp cụ thể với những thay đổi đột phá trong việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ để tạo sức bật trong việc thu hút những người có tài, có tâm.

 

Về việc xây dựng một số trường với mục đích lọt vào top các trường được xếp hạng, nếu chúng ta không tạo được thế mạnh riêng, với các mô hình riêng biệt, mang tính "đặc khu" thì rất khó có thể len chân vào danh sách này trong khi thời gian còn lại không nhiều.

 

– Ông Phạm Văn Huấn (Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân): Chúng ta cần quan tâm hơn tới trách nhiệm cộng đồng, đặc biệt là của gia đình trong giáo dục. Hiện nay dường như có 2 xu hướng: bố mẹ không quan tâm tới giáo dục con cái hoặc có quan tâm nhưng không có phương pháp. Chính đội ngũ "giáo viên ở nhà" này đang rất cần được quan tâm và đào tạo.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)