Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều mục tiêu, giải pháp chưa rõ

Buổi hội thảo tại cầu truyền hình Hà Nội.  Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Ngày 27-2, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo qua 4 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ để “lắng nghe” ý kiến đóng góp của các trường ĐH, CĐ cho dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Phát biểu đóng góp ý kiến, nhiều lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trên cả nước cho rằng, những giải pháp đưa ra chưa rõ ràng và chưa khả thi, trong khi mục tiêu thì quá nhiều…
Chưa đánh giá được thực trạng giáo dục
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung “mổ xẻ” những mục tiêu cụ thể và tính khả thi ở bậc giáo dục ĐH. Trong khi nhiều ý kiến còn “lo ngại” về mục tiêu đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ 450 SV/ 1 vạn dân, số SV trong các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập chiếm khoảng 40% tổng số SV trong cả nước, phải có 15.000 SV nước ngoài đăng ký vào học tại các trường ĐH Việt Nam… thì PGS.TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, bản dự thảo lần này chưa trình bày rõ nét về hiện trạng giáo dục. Theo PGS.TS Thái Bá Cần: “Bản dự thảo cần phải được trình bày theo kiểu UNESCO công nhận để so sánh với các nước từ đó mới cho thấy được giáo dục của nước ta đến đâu. Vấn đề đánh giá chất lượng chưa có những con số cụ thể và thiếu sự so sánh với các nước khác. Một số mục tiêu đưa ra nhưng lại không có giải pháp, ví dụ cần phải những giải pháp nào, để đạt mục tiêu 15.000 SV nước ngoài học tại Việt Nam”. Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thao – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thái Nguyên cho rằng cấu trúc của bản dự thảo chưa có gì đột phá, nên đối chiếu với nước ngoài mới có sức thuyết phục hơn. PGS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM thì cho rằng bản dự thảo còn kể lể nhiều nhưng lại thiếu sự đúc kết. Cần phải “tô đậm” hơn nữa mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng, giữa cung và cầu. PGS Võ Văn Sen thẳng thắn: “Lâu nay còn dễ dãi việc chạy theo số lượng, biểu hiện rõ nhất là số SV tăng 10% nhưng số giảng viên chỉ tăng 2% trong cùng một thời điểm, dẫn đến việc ra đời những trường ĐH không xứng tầm”. GS.TS Nguyễn Viết Thinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra nhận xét, cấu trúc của bản dự thảo, nội dung viết tốt nhưng cần viết ngắn lại và đặc biệt cần có “lời tuyên ngôn” cho ngành giáo dục để mọi người dễ đọc, dễ nhớ.
Trường ngoài công lập, nhiều bất cập
Về mục tiêu 30% giảng viên ĐH phải đạt trình độ tiến sĩ (TS), nhiều ý kiến còn trái ngược nhau. Theo GS Trần Hữu Nghị – Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng thì mục tiêu 30% giảng viên ĐH đạt trình độ TS) là phù hợp với các trường công lập, nhưng đối với các trường ngoài công lập (NCL) thì khó đạt được. Để đạt được thì các trường NCL phải quyết tâm và đầu tư thật thỏa đáng. Trong khi TS Nguyễn Đình Ngộ – Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân nhất trí với mục tiêu 30%, nhưng đề nghị phải có cơ chế giám sát không chạy theo bằng cấp, chỉ tiêu. Còn theo PGS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM với chỉ tiêu này tính trung bình cả nước thì vẫn còn thấp. Cần phải có biện pháp để đạt được tỷ lệ trình độ TS, thạc sĩ của giảng viên ĐH là 50 – 70%. Còn bà Trần Thị Hà – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đề nghị nên tách riêng tỷ lệ trình độ giảng viên giữa các trường ĐH và CĐ bởi có sự chênh lệch. Bà Hà đề xuất ở bậc ĐH trình độ thạc sĩ trở lên phải đạt 90% (trong đó TS là 30%), bậc CĐ là 65% (trong đó TS 15%). Trong khi đó bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho rằng việc coi trọng xây dựng đội ngũ giảng viên là một trong hai giải pháp đột phá, nhưng cũng cần làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để tránh sự gia tăng nạn “học giả, bằng thật”. Về vấn đề xã hội hóa giáo dục, Phó hiệu Trưởng ĐH Mở TP.HCM Nguyễn Kim Phúc cho rằng vai trò của ĐH mở là rất quan trọng, quy mô đào tạo của ĐH mở gấp 3 lần ĐH chính quy nên rất cần sự quan tâm của Nhà nước, do đó cần có giải pháp rõ ràng để thực hiện những mục tiêu cụ thể. Vấn đề này, TS Nguyễn Đình Ngộ cũng đề xuất phải tạo điều kiện thuận lợi cho các trường NCL, có những chính sách cụ thể về đất đai, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, quỹ tín dụng,… Còn PGS.TS Bùi Văn Ga – ĐH Đà Nẵng thì “băn khoăn” làm sao để đảm bảo được chất lượng, tiềm lực của các trường ngoài công lập. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ 40% SV NCL phải đảm bảo được chất lượng vì hiện nay nhiều trường không đáp ứng được. PGS.TS Bùi Văn Ga cũng đề nghị nên áp dụng mô hình “công tư phối hợp” (trường công cung cấp nhân lực giảng dạy, trường tư cung cấp cơ sở vật chất).
Nguyên Hải – nghiêm huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)