Là một giáo viên và cũng là một phụ huynh có con đang học ở bậc phổ thông, tôi thật sự băn khoăn khi xem dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Thoạt nhìn qua chương trình tổng thể, mọi người có thể đánh giá chương trình đổi mới và có mục tiêu xây dựng “chân dung” người học sinh (HS) mới của Việt Nam trong tương lai. Thế nhưng, xem qua số môn học ở bậc tiểu học, tôi nghĩ HS sẽ tiếp tục bị “nhồi nhét” bởi quá nhiều các môn học. Hiện tại, HS lớp 4, lớp 5 phải học 10 môn học, mặc dù học 2 buổi (7 tiết học)/ngày nhưng giờ học đã kín hết các buổi học. Theo chương trình dự thảo thì HS lớp 4, lớp 5 phải học đến 13 môn. Ngoài 13 môn ấy, dự thảo còn nêu “Ngoài ra, ở bậc tiểu học còn có hoạt động tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của HS tiểu học 2 buổi/ ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên)”. Tôi không hiểu HS phải học một ngày bao nhiêu tiết và làm sao đảm bảo được các em có thể tập trung mà tiếp thu tất cả khối kiến thức khổng lồ như thế! Hiện nay, HS tiểu học chỉ học môn tiếng Anh, thế nhưng rất nhiều trường vẫn thiếu giáo viên. Vậy thì đến bao giờ có đủ lực lượng, chưa nói đến chất lượng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho HS?
Tôi có phải là người “hoài cổ” chăng khi mong một chương trình mới tích hợp như sách “Quốc văn giáo khoa thư” – sách dạy HS tiểu học trong những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ XX. Chỉ một bài học nhưng tích hợp nhiều kiến thức. HS học tập đọc, chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, tập làm văn và được giáo dục hành vi, lối sống, chuẩn mực đạo đức, kiến thức tự nhiên xã hội… trong cùng một bài học, ví dụ như “Đi học phải đúng giờ”, “Ai ơi, chớ vội khoe mình”, “Lòng thảo hiếm có”… Sách xưa nhưng lại đúng với tinh thần tích hợp các môn học hiện nay và phù hợp với giáo dục ở tiểu học. Theo tôi, HS tiểu học chỉ cần đọc thông, viết thạo, tính toán chính xác và biết thực hiện các hành vi đúng với quy tắc đạo đức xã hội là đủ. Đặt ra một yêu cầu quá cao để rồi chỉ đạt trên báo cáo lý thuyết.
Mười năng lực cốt lõi trong dự thảo chương trình: Năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên xã hội, năng lực tin học…, nêu cho nhiều nhưng thật ra chỉ là năng lực học tập của từng môn học. Tôi nghĩ dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chỉ mới về mặt lý thuyết!
Tôi cũng rất bất ngờ khi cho rằng: các cơ quan quản lý không được đứng ra biên soạn SGK vì sẽ gây sức ép lên các trường trong lựa chọn bộ sách và 63 tỉnh/thành sẽ có 63 bộ sách rất khó thống nhất. Để biên soạn một bộ SGK không phải đơn giản mà cần có nhân lực, trí lực và tài lực hùng mạnh, vững vàng. Theo tôi được biết, năm 2015, khi có thông tin sẽ có nhiều bộ SGK được sử dụng trong cả nước, nhiều tỉnh/thành rất phấn khởi. Tuy nhiên chỉ có duy nhất TP.HCM mạnh dạn tham gia biên soạn bộ SGK mới. Nếu chỉ cho các cá nhân, tổ chức biên soạn SGK trong giai đoạn hiện nay thì tổ chức, cá nhân nào có đủ thực lực? Nói như thế chẳng khác nào nói Bộ GD-ĐT tiếp tục độc quyền biên soạn SGK và giáo viên, HS được quyền chọn lựa SGK để dạy và học chỉ mãi mãi là trong mơ.n
Lê Phương Trí
Bình luận (0)