Ngày 22-8-2024, Bộ GD-ĐT đăng tải Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm gồm 4 chương, 16 điều trên cổng thông tin điện tử của ngành để lấy ý kiến góp ý rộng rãi đến hết ngày 22-10-2024. Khi dự thảo được thông qua, thông tư này sẽ thay thế thông tư hiện hành quy định về dạy thêm, học thêm số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012.
Nhiều quy định mới về dạy thêm, học thêm
Có một số nội dung đáng chú ý tại dự thảo thông tư mới như: Cho phép giáo viên (GV) công lập – kể cả hiệu trưởng, hiệu phó – có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, dạy thêm cho học sinh (HS) của mình đang dạy chính khóa ở trường với điều kiện cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào để ép buộc HS tham gia học thêm, đồng thời phải tuân thủ một số điều kiện cụ thể; GV không được sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra HS trên trường; tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh; GV được dạy thêm HS chính khóa của mình sau khi lập danh sách HS, báo cáo hiệu trưởng; hiệu trưởng dạy thêm ngoài nhà trường cần báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan quản lý… Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng xác định vai trò quan trọng của tổ chuyên môn, hiệu trưởng trong việc quản lý và tổ chức dạy thêm, học thêm. Việc điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trong dự thảo thông tư nhằm phù hợp với tình hình thực tế, không cấm nhu cầu chính đáng và tăng tính minh bạch, tạo cơ chế để cộng đồng cùng giám sát.
Nhìn chung, dự thảo thông tư mang lại nhiều lợi ích, nhằm cải thiện chất lượng của hoạt động dạy thêm, học thêm, bổ trợ và nâng cao kiến thức cho HS; bảo vệ quyền lợi của HS và phụ huynh; ngăn chặn các hành vi lạm dụng và bất công trong việc tổ chức các lớp học thêm; giảm áp lực học tập và giảm thiểu tình trạng ép buộc HS tham gia các lớp học thêm chỉ để nâng cao điểm số; không chỉ giúp HS phát triển năng khiếu cá nhân mà còn tạo ra môi trường học tập toàn diện, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển kỹ năng sống quan trọng.
Băn khoăn về hoạt động dạy thêm, học thêm
Tuy nhiên, để quy định mới được thực hiện hiệu quả, rất cần một hành lang pháp lý có hiệu lực để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm cơ sở giáo dục, GV, phụ huynh và các cơ quan quản lý giáo dục, thực hiện một cơ chế giám sát hiệu quả. Nhiều mục trong dự thảo khá “thoáng” so với quy định cũ và vì thế có thể dẫn tới công tác quản lý trách nhiệm, nghĩa vụ hoàn thành công việc chính của GV ở trường dễ bị xem nhẹ. Thực tâm mà nói, lâu nay chưa thể quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm tràn lan; và sự “nới lỏng” theo dự thảo mới rất có nguy cơ gây hiểu ngầm rằng GV đã được “cởi trói”, có thể tổ chức/tham gia dạy thêm một cách tràn lan, đại trà – dù rằng không phải tất cả GV đều có đủ năng lực dạy thêm. Ngoài việc GV tuân thủ dạy thêm chặt chẽ theo quy định, ngành giáo dục cần có phương pháp định hướng làm sao để việc dạy thêm, học thêm hoàn toàn tự nguyện một cách thực chất, trong lúc hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn là một vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi, khó phân biệt được giữa tự nguyện và ép buộc trong dạy thêm, học thêm; rất khó kiểm soát việc học thêm có thực sự là tự nguyện hay không.
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm không phải tự nguyện mà vì bị áp lực ngầm: Nếu không học thêm, con họ sẽ không theo kịp chương trình, vì có thầy cô dạy thêm chủ yếu là dạy trước kiến thức trên lớp chính khóa, hướng dẫn “chiêu trò” để HS đạt điểm cao khi làm bài kiểm tra. Mặt trái của dạy thêm làm mất đi khả năng tự học của HS và tạo gánh nặng về tài chính với các gia đình HS còn khó khăn. Một số GV chỉ dạy sơ sài trên lớp và dành phần lớn nội dung cơ bản để dạy ở lớp học thêm, tạo ra sự bất bình đẳng trong học tập và thi cử; còn có hiện tượng GV ra đề kiểm tra chính khóa dựa trên nội dung mình đã dạy thêm, gây áp lực tinh vi buộc HS phải đi học thêm lớp do mình dạy; có GV vừa dạy chính khóa vừa ra đề kiểm tra định kỳ – thậm chí dùng luôn cả đề bài đã ôn luyện trong lớp dạy thêm đưa vào đề kiểm tra chính khóa (?!). Chính vì những lý do nêu trên, việc xây dựng thông tư mới cần đưa ra các điều khoản chặt chẽ, cụ thể hơn về dạy thêm, học thêm trên cơ sở những quy định hiện hành. Tuy quy định cấm GV gây áp lực cho HS, nhưng GV có thể sử dụng những “chiêu trò” tinh vi mà cơ chế giám sát khó lòng tìm ra bằng chứng cụ thể. Điều này khiến việc thực hiện quy định trở nên không đảm bảo và khó kiểm soát.
Tựu trung lại, cuối cùng, để hoạt động dạy thêm, học thêm đạt được hiệu quả toàn diện từ mọi phía, cần nhất vẫn là cái tâm của người thầy và sự quản lý, giám sát đồng bộ của các cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng, phụ huynh thì mới chấm dứt được mặt trái tiêu cực, biến tướng, vụ lợi của việc dạy thêm, học thêm.
Cần ưu tiên tập trung hoàn tất chương trình mới
Người viết bài này cũng là GV – ngót 40 năm dạy học – chưa bao giờ dạy thêm thu tiền bất kỳ đối tượng HS nào, vì tâm nguyện rằng việc dạy thêm đó chắc chắn – không nhiều thì ít – sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy chính khóa. GV càng không nên đóng “nhiều vai” vừa dạy chính khóa, lại vừa là người dạy thêm cho chính HS của mình, ra đề, chấm bài, tổng kết điểm… nhập nhằng công/tư; vì “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy thì GV khó mà giữ được trọn vẹn hình ảnh mô phạm, mẫu mực của nhà giáo trong sáng, liêm chính, công bằng được, và càng khó mà đòi hỏi được xã hội “tôn sư trọng đạo” như trước đây đã từng! Nếu GV cảm thấy mình có đủ năng lực, thu nhập ở trường công không tương xứng, có nhu cầu dạy thêm để nâng cao thu nhập thì nên rời trường công, tự do tổ chức/tham gia dạy tại các trường tư, trung tâm văn hóa dạy thêm…
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là GV tích cực cải thiện chất lượng giáo dục công lập, đảm bảo HS có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức ngay trong giờ học chính khóa mà không cần phải đi học thêm. Điều này đòi hỏi các cấp cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng giảng dạy và đổi mới phương pháp giáo dục, thu nhập của nhà giáo từ lương. Hiện nay chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu chương trình tập trung vào phát triển năng lực HS hơn là việc HS chỉ học thuộc khuôn mẫu và làm bài theo “chiêu trò”. Năm học này là năm cuối hoàn thành chặng đường cải cách giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 9 và lớp 12, nên chúng ta cần ưu tiên tập trung nguồn lực vào việc hoàn tất và tiếp tục cải tiến chương trình mới để ngày càng đảm bảo chất lượng giáo dục – hơn là lưu tâm “cởi trói” cho dạy thêm, học thêm.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới việc không cần dạy thêm, mà tập trung vào phát triển năng lực cho HS, để các em học/thủ đắc kỹ năng từ thực tiễn chứ không phải tiếp thu và thực hành rập khuôn theo khuôn mẫu, HS cần được hình thành và trau dồi kỹ năng phân tích một cách thực lực để làm tốt các bài kiểm tra, kể cả với các dữ liệu ngoài sách giáo khoa. Việc này cần được triển khai trong nhà trường, chứ không phải tại các lớp dạy thêm. Nếu cần tổ chức các giờ học bổ trợ, nhà trường có thể thực hiện thông qua chuyên đề, phân hóa theo năng lực HS và phải công khai, minh bạch cho phụ huynh lựa chọn.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)