Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Dự thảo Đề án thi THPT quốc gia 2017: Không có chỗ cho học tủ, học lệch

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm bài thi THPT Quốc gia 2016 môn sử tại TP.HCM. Ảnh: Mê Tâm

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Đề án thi THPT quốc gia 2017 để lấy ý kiến xã hội. Đáng chú ý là dự thảo chuyển môn toán thi từ hình thức tự luận sang thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ). Bài này xin không bàn đến ưu, khuyết điểm của thi TNKQ vì trên các phương tiện truyền thông đã nói quá nhiều. Trên thế giới cũng đã bàn và tổng kết về vấn đề này ngót cả thế kỷ nay. Ở đây chỉ xin tìm hiểu thêm về những chức năng mà một đề thi TNKQ phải có, vì hiện còn những thông tin trái chiều hoặc hiểu chưa đúng về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, môn toán thi TNKQ làm mất khả năng tư duy toán của học sinh. Lại có ý kiến cho rằng thi TNKQ sẽ khuyến khích lối học tủ, học vẹt để làm sao “đánh” cho nhanh các câu hỏi. Trước hết cần hiểu rằng thi trắc nghiệm kèm hai chữ “khách quan” để nhấn mạnh bài thi không phụ thuộc vào người chấm, người chấm không tác động vào kết quả bài thi. Đây là một yêu cầu cần thiết của bất cứ kỳ thi nào. Ngoài ra việc chấm thi được xử lý bằng máy sẽ nhanh hơn, bớt phức tạp nên thích hợp với kỳ thi có đông thí sinh tham gia.

Như vậy, thi TNKQ thì yếu tố đề thi trở nên rất quan trọng. Một đề thi TNKQ nói chung phải thỏa mãn tối thiểu hai yêu cầu: đánh giá chính xác năng lực người học; tin cậy. Đánh giá chính xác năng lực người học nghĩa là kết quả bài thi phải phù hợp với năng lực học tập của người đó. Nếu học giỏi thì kết quả phải loại giỏi, trung bình thì kết quả trung bình… Tin cậy nghĩa là dù làm các đề thi khác nhau vẫn cho ra cùng kết quả năng lực của thí sinh đó.

Khác với đề thi tự luận, đề thi TNKQ phải liên tục được bổ sung. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm sau khi biên soạn phải được xem xét bởi các chuyên gia khảo thí, phải qua thử nghiệm, đánh giá trước khi bổ sung vào ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Trước khi đưa một đề thi vào áp dụng cho một kỳ thi, các chuyên gia phải xử lý hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến công tác kiểm định. Cụ thể, đề thi TNKQ không phải rút ngẫu nhiên các câu hỏi từ ngân hàng mà phải qua một quá trình đánh giá phức tạp theo sáu tiêu chí của mục tiêu giáo dục: biết; hiểu; ứng dụng; phân tích; tổng hợp; phê phán. Mỗi mục tiêu giáo dục tương ứng với một tỉ lệ câu hỏi phù hợp. Trong đó, “biết” có yêu cầu thấp nhất nên số câu hỏi dạng này rất ít. Các tiêu chí còn lại được quan tâm hơn nên số câu hỏi cũng nhiều hơn. Tóm lại, tùy theo mục đích của kỳ thi mà người ta đưa ra mẫu đề thi có tỉ lệ các câu hỏi phù hợp.

Đề thi của tất cả các môn thi đều phải được làm theo quy trình này. Bởi vậy lo ngại mất khả năng suy luận toán của học sinh khi thi TNKQ môn toán là không có cơ sở. Ngoài ra, trong ngân hàng đề thi thì nội dung là vô cùng nhưng mỗi đề thi chỉ tập hợp vài chục câu hỏi nên thí sinh rất khó đoán mò nội dung để học tủ – chỗ này rất khác với đề tự luận có thể đoán năm này ra câu này thì năm sau không ra lại. Như vậy, để làm tốt một bài thi TNKQ, học sinh không thể học tủ mà phải học toàn diện.

Cũng nhờ việc tổ chức nhanh, gọn, một kỳ thi lớn như THPT quốc gia nếu thi TNKQ thì có thể tổ chức ở nhiều môn, tiến tới xóa dần lối học lệch như hiện nay.

Như vậy, đề thi TNKQ đã góp phần tác động tích cực đến việc thay đổi cách dạy, cách học trong nhà trường; không có chỗ cho lối học tủ, học lệch. Nó cũng góp phần làm thay đổi quan niệm “học để thi” đang khá phổ biến hiện nay bằng “học để biết, để làm việc, để chung sống và để khẳng định mình” như UNESCO khẳng định.

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)