Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung: Tăng thẩm quyền của Chủ tịch nước

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua (29-10), Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trình Quốc hội bản dự thảo Hiến pháp mới, bổ sung thêm một số quyền cho Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày dự thảo Hiến pháp sửa đổi trước Quốc hội.  Ảnh: Thanh Hải.
Thay mặt Ủy ban dự thảo, trình bày Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: “Cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”.
Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bổ sung điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Về thẩm quyền của Chủ tịch nước, trong mối quan hệ với hành pháp, dự thảo Hiến pháp sửa đổi làm rõ hơn thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Chính phủ; quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước khi cần thiết.
Tại Điều 94 (sửa đổi, bổ sung điều 103) quy định: Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Ngoài ra, Chủ tịch nước quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp
Theo Ủy ban dự thảo, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành của Hiến pháp năm 1992, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban pháp luật trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, tiếp tục giao Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án NDTC, Viện KSNDTC… có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát, quản lý của mình. Không thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần thành lập Hội đồng Hiến pháp với vai trò là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập, giúp Quốc hội kiểm tra, kết luận về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành; trường hợp phát hiện có vi phạm Hiến pháp thì yêu cầu cơ quan ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản.
“Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thể hiện vấn đề này như trong Dự thảo” – ông Phan Trung Lý cho biết.
Kinh tế Nhà nước giữ chủ đạo
Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị nêu các thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế (tại Điều 55), làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nêu cụ thể tên các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế để bảo đảm tính khái quát, ổn định cao của Hiến pháp.
Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất thể hiện tại Điều 55 của Dự thảo: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.
Theo Ủy ban dự thảo, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. Dự thảo sẽ được Quốc hội thảo luận tổ vào ngày 6-11, thảo luận tại Hội trường chiều 15-11 (truyền hình trực tiếp).
Nguyễn Tuấn (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)