Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dự thảo Luật Báo chí: Cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 16-7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo, được công bố vào đầu tháng 4-2015.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí. Luật Báo chí hiện hành ở nước ta được ban hành vào năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 1999. Sau 25 năm thi hành Luật Báo chí và 15 năm thi hành một số điều đã được bổ sung, sửa đổi, Luật Báo chí hiện nay được cho là vừa thừa vừa thiếu khi được quy định trong quá nhiều văn bản dẫn đến thực trạng phân tán, không đồng nhất, chồng chéo, mâu thuẫn và kém hiệu lực, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào khu vực và thế giới. Vì vậy, cần phải có một hành lang pháp lý chuẩn, sạch và đúng định hướng để các cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

“Chiếc áo quá chật”

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), dự thảo Luật Báo chí sửa đổi chưa điều chỉnh được chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành trong báo chí. Đại bộ phận báo, đài hiện nay vẫn được Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, chi phí in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, tổ chức chính trị – xã hội cũng bằng ngân sách Nhà nước. “Điều này cũng có nghĩa nhiều cơ quan báo chí đáng được hưởng “bao cấp 2 lần”. Số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi chỉ khoảng trên 10 đơn vị với vài chục ấn phẩm, chỉ một vài đài phát thanh có khán – thính giả thường xuyên. Một số cơ quan báo chí còn đồng thời sở hữu nhiều loại hình báo chí như TTXVN có bản tin, báo in, báo điện tử, kênh truyền hình; Đài Tiếng nói Việt Nam có báo in, báo điện tử, kênh truyền hình. Sắp tới, một kênh truyền hình cũng sẽ đươc thành lập ở Báo Nhân dân. Có thể nói đây là hậu quả của chính sách bao cấp tràn lan, thiếu quy hoạch hợp lý trong thời gian dài, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền của”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) phát biểu tại hội nghị

Vì vậy, để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Luật Báo chí cần phải quy định rõ các hình thức tổ chức báo chí với 3 mô hình: Thứ nhất là mô hình “Cơ quan Nhà nước” chỉ bao gồm các cơ quan báo chí của TW Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các đơn vị này vẫn sẽ được ngân sách Nhà nước đảm bảo hoàn toàn về trụ sở, phương tiện làm việc, lương và công tác phí nhưng việc phát hành đơn vị phải tự lo. Thứ hai là mô hình “Đơn vị sự nghiệp có thu” gồm các cơ quan báo chí thuộc bộ/ngành, tỉnh/thành trực thuộc TW, hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi. Thứ ba là mô hình “Doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện” bao gồm báo chí của các tổ chức khác, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.

Cũng bàn về các loại hình báo chí, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Media JSC, cho rằng xu hướng thiết lập hệ sinh thái đa nền tảng hiện nay đang là xu thế chung của báo chí thế giới và Việt Nam. Các nền tảng đó bao gồm báo in, báo mạng, phiên bản báo mạng di động (mobile resonsive), phiên bản PDF tương tác cho máy tính bảng, phiên bản smartphone, phiên bản đa phương tiện, thực tại ảo (Aumented Reality)… mà mỗi nền tảng này bắt buộc phải khác nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Nếu các báo không thay đổi thật nhanh, bắt kịp với xu hướng với nhiều nền tảng truyền thông thì chắc chắn tờ báo đó sẽ chết sớm. Nếu dự thảo phớt lờ xu hướng này thì Luật Báo chí sẽ góp phần hạn chế tính năng động, sáng tạo của báo chí, giảm thiểu sức cạnh tranh của các báo và hậu quả tất yếu là sự sụp đổ, đào thải nhanh của các cơ quan báo chí. “Điều tôi muốn kiến nghị là Luật Báo chí nên thay đổi cách quản lý báo chí từ quản lý hình thức sang quản lý nội dung. Hãy cấp phép một lần cho cơ quan báo chí và cho phép họ tự do sáng tạo, phát triển trên các nền tảng phù hợp với năng lực, chiến lược cạnh tranh và chiến lược thị trường của họ. Thay vào đó, chỉ nên tập trung quản lý bộ máy lãnh đạo cơ quan báo chí, quản lý lập trường tư tưởng và nội dung thông tin mà họ đăng tải trên nền tảng đó”, ông Lê Quốc Vinh kiến nghị.

Cần hạn chế “phóng viên phòng lạnh”

Đứng trên lập trường của một cơ quan quản lý báo chí, TS. Mai Thu, Viện trưởng Viện Quản lý doanh nghiệp, cho rằng các sản phẩm báo chí hiện tại đang rất… chơi vơi, không có tiêu chuẩn cả về chất lượng lẫn số lượng vì phải cạnh tranh “câu” view để hút quảng cáo. “Thực trạng làm báo kiểu ngồi phòng lạnh, lướt mạng xã hội moi tin theo hình thức sốc, sex, thời trang, lá cải, giật gân… khiến cho những người làm báo chân chính, truyền thống không còn chỗ đứng và “đất” để tiêu thụ sản phẩm báo chí của mình theo đúng giá trị và công sức bỏ ra. Theo tôi, chúng ta cần phải có hành lang pháp lý chuẩn, có tiêu chí và tiêu chuẩn cho người làm báo và các tác phẩm báo chí của họ, đồng thời phải có phương cách phân định thị trường hay thị phần của các tờ báo theo “tính chất chuyên môn và chuyên nghiệp”. Vì vậy, dự thảo Luật Báo chí cần quy định rõ ràng và khung pháp lý về tôn chỉ mục đích, phân định thị trường, xác định sản phẩm báo chí chuyên nghiệp có tính chính trị, thời sự, khoa học, thông tin thuộc lĩnh vực nào thì tờ báo nào có nhiệm vụ làm tin và đăng tải nhằm hạn chế thực trạng “phóng viên phòng lạnh”. Ví dụ, những thông tin về các vụ án hình sự thuộc về Báo Công an và các tờ báo về pháp luật; vấn đề phổ biến đường lối chính sách của Đảng thuộc về các tờ báo của Đảng như Nhân dân, TTXVN… Các báo khác có phản ánh thì cần đưa lại tin quan trọng hoặc làm tin theo đúng tôn chỉ mục đích”.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)