Nhà nước chỉ có quyền định giá với một số mặt hàng mà Chính phủ còn kiểm soát giá, quản lý giá mà thôi.
"Nên trả việc định giá cả về cho thị trường".
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) góp ý thẳng thắn tại hội thảo lấy ý kiến cho dự án Luật Giá được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7-6.
Quy định thiếu tính khả thi
Theo ông Đinh Dũng Sĩ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ, mục tiêu làm luật này là nhằm ổn định giá cả thị trường. Thế nhưng tổ soạn thảo cần hết sức cân nhắc khi Điều 6 nêu: “Căn cứ định giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước mà phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Với các căn cứ nêu tại điều này thì DN, cá nhân kinh doanh có phải tuân theo hay không? Nếu bắt buộc DN phải chấp hành quy định này thì yếu tố thị trường là đâu? Mặt khác, nếu điểm này bắt buộc thì Nhà nước có đủ năng lực để giám sát hay không? Đó là những vấn đề mà ông Sĩ cho rằng dự án quá viển vông, cần phải cân nhắc khi luật hóa.
"Nên trả việc định giá cả về cho thị trường" (Ảnh minh họa)
Ông Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải VN, cho hay Điều 6 nêu sáu căn cứ định giá mới chỉ phù hợp với việc định giá của Nhà nước. Hiện các hàng hóa trên thị trường không áp dụng sáu căn cứ này thì có phạm luật không? Thực tế có 90% hàng hóa trên thị trường không tuân theo các căn cứ này.
“Ba tháng trước tôi có đi mua chiếc đèn đọc sách, một cửa hàng niêm yết giá 1,1 triệu đồng, một cửa hàng khác cùng hệ thống cách đó một con phố thì niêm yết giá có 550.000 đồng. Rõ ràng, mặt hàng này tuân theo cơ chế thị trường, DN được quyền tự do định giá, chào giá và người mua có quyền lựa chọn và chấp nhận giá.
Nhà nước chỉ có quyền định giá với một số mặt hàng mà Chính phủ còn kiểm soát giá, quản lý giá mà thôi. Còn về lâu dài, quyền này cũng nên trả về cho thị trường” – ông Đức khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Quý Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh dược Việt Nam, mỗi sản phẩm có chu kỳ giá vì lúc cao trào thì bán giá nào, lúc thoái trào thì bán giá nào, cái này do thị trường điều tiết chứ không thể dùng bàn tay của Nhà nước được.
Cần xem lại việc áp dụng quỹ bình ổn giá
Theo dự thảo dự án Luật Giá, bình ổn giá là sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, ông Đinh Dũng Sĩ băn khoăn vì hiện chưa có tổng kết hiệu quả các quỹ bình ổn giá có mang lại lợi ích cho DN và người tiêu dùng hay không.
Nhiều ý kiến cho rằng quỹ bình ổn giá được lập nên chỉ dành riêng cho DN kinh doanh mặt hàng này. “Thực tế nhiều nước cũng áp dụng chính sách bình ổn giá. Tuy nhiên, quỹ bình ổn giá ở các nước là do hiệp hội DN thành lập trên tinh thần tự nguyện để bảo vệ quyền lợi của họ, sau đó mới đến người tiêu dùng. Còn ở chúng ta, quỹ bình ổn được hình thành từ ngân sách hoặc do DN trích từ tiền bán sản phẩm” – ông Sĩ nêu.
Ông Nguyễn Quý Sơn nhận định cần phải xem xét vai trò của Nhà nước trong việc bình ổn giá. Nhà nước cũng phải quan tâm đến quyền lợi của DN chứ không thì mỗi lần bình ổn lại đẩy DN vào thế vô cùng khó khăn.
DN không sống nổi thì lấy đâu hàng hóa. Nếu hàng hóa khan hiếm thì giá lại lên. Cho nên, các quyền lợi Nhà nước – DN và người tiêu dùng luôn phải hài hòa trong mọi trường hợp.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu tài chính-giá cả, nhận định: “Về chính sách bình ổn giá thì câu chuyện cần bàn là Nhà nước can thiệp như thế nào. Luật cần quy định rõ là Nhà nước làm gì”.
Tuy nhiên, theo ông Ánh, không nên áp dụng quỹ bình ổn giá.
“Tôi không hiểu tại sao khi trong dự án Luật Giá lại nêu bình ổn giá tài sản hữu hình, vô hình và cả tài sản tài chính. Nếu mong muốn bình ổn tài sản tài chính là cực kỳ khó. Bởi lãi suất là một trong những tài sản tài chính. Thực tế quy định các ngân hàng thương mại không được huy động vượt trần lãi suất 14%/năm nhưng trên thị trường có vô số loại lãi suất. Liệu sắp tới có quỹ bình ổn giá chứng khoán hay không? Quy định trong dự án luật quả rất mênh mông.
Các căn cứ định giá
– Giá thành toàn bộ thực tế gắn với chất lượng của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm cần định giá.
– Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua.
– Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.
– Mức lợi nhuận dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
(Dự án Luật Giá)
Nhà nước can thiệp mà giá vẫn tăng
Đối với giá thuốc, giá sữa… việc can thiệp nhà nước bằng các biện pháp hành chính trong thời gian qua không mang lại hiệu quả. Giá vẫn tăng, cơ quan quản lý giá không ngăn chặn được việc làm giá của các nhà phân phối. Để giải quyết được xu thế tăng giá, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người sản xuất, phân phối trong nước chứ không chỉ bằng chính sách tăng thuế nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối cần được cải thiện để hàng hóa đến tay người tiêu dùng mới có mức giá hợp lý. Đồng thời, Nhà nước cần tránh sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bà Phạm Thúy Hạnh, Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ
|
Theo Lê Thanh
Pháp luật TP.HCM
Bình luận (0)