Sự kiện giáo dụcTin tức

Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Đồng thuận trao quyền tự chủ cho các trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trao quyền tự chủ để tạo điều kiện cho các trường phát triển (trong ảnh ký túc xá Trường ĐH Bách khoa được xây mới hiện đại để phục vụ nhu cầu ăn, ở cho SV). Ảnh: Q.Huy

Tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học (GDĐH). Điều này đã được nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về Luật GDĐH chiều 9-1.
Theo bà Tâm Đan, chúng ta nên nhìn nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới góc độ cơ chế quản trị của trường để đặt vấn đề cho hay không cho cơ sở GDĐH quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
“Xác định được như vậy, đi liền với nó là hội đồng quản trị nhà trường, trong đó có hội đồng trường và hiệu trưởng. Hiệu trưởng không được kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường. Hiệu trưởng chỉ là người thực thi các giải pháp do hội đồng trường vạch ra”  – bà Tâm Đan đưa ra giải pháp.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Bé (đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang), nhiều vấn đề liên quan tới tự chủ trong dự luật chưa được làm rõ. Dự luật có nhiều điều khoản phải do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định. Và như vậy, luật lại rơi vào tình trạng dự luật khung. Bà Bé đề nghị cần nghiên cứu để có những điều khoản chuyên sâu hơn, đúng với tinh thần của một luật chuyên ngành.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch cũng đồng thuận với các ý kiến trên khi cho rằng quyền, giao quyền tự chủ thì không thể cho tự chủ cá nhân mà phải là tự chủ pháp nhân – điều mà Dự án luật GDĐH chưa quy định.
Ông khẳng định lâu nay quyền tự chủ trong GDĐH do Bộ GD-ĐT nắm giữ, chỉ “nhả ra từ từ”, trong khi đó đây là vấn đề “cốt lõi” để tổ chức lại GDĐH. Trong khi chưa giao quyền, nhiều việc đáng ra Bộ GD-ĐT làm được mà không làm ví dụ như tuyển sinh đại học. Đại biểu Trần Du Lịch đưa ra so sánh về tình trạng tuyển sinh hiện nay. Việc tuyển sinh như “xe đò rước khách”, xe đầu – nguyện vọng 1 – rước nhiều khách không xuể, phải thêm ghế phụ nhưng đến xe thứ 3 thì không còn khách để rước.
“Vài năm nay, trường đại học, các ngành học mở ra nhiều tới mức không còn khách để rước thì làm sao có chất lượng”, ông Lịch nêu thực tế giai đoạn 2006-2009 khi mà trung bình cứ hai tuần lại có một trường đại học mới, nâng cấp từ cao đẳng. Cũng chính sự ra đời ồ ạt như vậy dẫn đến hệ lụy thiếu giáo viên trầm trọng và thực tế là có tới một nửa số giáo viên giảng dạy đại học mới dừng ở trình độ đại học, chỉ 10% có trình độ tiến sĩ. Thực tế này khó chấp nhận trong bối cảnh hiện nay.
Giải thích thêm cho các đại biểu về Dự án Luật GDĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự án luật này không phải là giao quyền hay lấy lại quyền tự chủ của các trường. Hiện nay có trường thành lập nhưng chưa đủ điều kiện thì ta giới hạn quyền tự chủ chứ không phải là thu lại quyền tự chủ.
Việc các trường tự chủ tuyển sinh bộ đã giao hai năm qua nhưng đến nay thì chưa trường nào có phương án vì chưa dám nhận hoặc chưa có điều kiện nhận vì ngại điều kiện rủi ro… Đối với một số ý kiến đại biểu Quốc hội nên để các trường tự quyết định mở ngành đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga không đồng tình vì cho rằng các trường sẽ chỉ tập trung mở những ngành dễ tuyển sinh, dễ thu hút đầu tư, điều này có thể làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH là yêu cầu khách quan, tất yếu.  Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật và được quy định bằng nhiều quy phạm pháp luật cụ thể tại nhiều điều của dự thảo luật.
Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến về mức độ, đối tượng và lộ trình cụ thể của việc thực hiện; tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện quyền tự chủ…
Nghiêm Huê

Bình luận (0)