Sự kiện giáo dụcTin tức

Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Thực hiện quyền tự chủ

Tạp Chí Giáo Dục

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, góp ý Dự thảo Luật GDĐH được tổ chức tại TP.HCM

Theo chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII thì Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Giáo dục đại học (GDĐH) vào phiên họp ngày hôm nay, 18-6. Giáo Dục TP.HCM đã phỏng vấn PGS.TS Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT, Phó trưởng ban Soạn thảo Luật GDĐH về một số nội dung có liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên họp thảo luận tại kỳ họp này.
PV: Ngày 25-5 vừa qua Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về Dự án Luật GDĐH. Bên cạnh sự đồng thuận khá cao về Dự thảo luật thì vẫn đang còn không ít ý kiến yêu cầu dự luật cần tiếp tục được chỉnh sửa, thậm chí có ý kiến đề nghị đổi tên dự luật thành “Luật GDĐH và sau ĐH”, quan điểm của ông về đề nghị này thế nào?
– Dự thảo Luật GDĐH lần này được soạn thảo với tính chất là luật chuyên ngành trên cơ sở quy định khung của Luật GD 2005. Để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế, Ban soạn thảo đang trình Quốc hội Dự án luật có tên là Luật GDĐH.
Theo quy định của Luật GD 2005 thì GDĐH và sau ĐH được gọi chung là GDĐH, cách gọi như vậy vừa đảm bảo phù hợp với quy định tại điều 36 Hiến pháp, phù hợp với sử dụng thuật ngữ theo thông lệ quốc tế và ở nhiều nước trên thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu khắp các nước trên thế giới đều xác định nhiệm vụ của GDĐH đào tạo các trình độ CĐ, ĐH thạc sĩ, tiến sĩ. Trong quá trình soạn thảo Luật GD cách đây 7 năm, Ban soạn thảo đã lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức thảo luận về nội dung này và thống nhất đề nghị quy định gọi chung là “GDĐH”. Nội dung này đã được Quốc hội đồng ý và thông qua tại Luật GD 2005. Điểm d khoản 2 điều 4 Luật GD 2005 quy định “GDĐH và sau ĐH (sau đây gọi chung là GDĐH) đào tạo trình độ CĐ, trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ”.
Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật GD năm 2005 đã khẳng định: Sau Luật GD, Quốc hội sẽ ban hành một số luật chuyên ngành, trong đó có Luật GDĐH để cụ thể hóa các quy định liên quan đến GDĐH trong Luật GD. Có thể nói Luật GDĐH là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục ĐH, cụ thể hóa các quy định khung của Luật GD về GDĐH. 
Trong kỳ họp thứ 2 Dự thảo Luật GDĐH đã được đưa ra thảo luận, không ít ý kiến đại biểu Quốc hội nhận xét rằng nội dung Dự thảo Luật GDĐH đã né tránh không ít vấn đề. Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 này có những nội dung gì mới?
– Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước đây và nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và tại nhiều hội nghị hội thảo, tọa đàm được tổ chức sau đó, kể cả nhiều ý kiến góp ý qua mạng điện tử hoặc gửi trực tiếp bằng văn bản tới Ban soạn thảo, dự luật lần này đã được bổ sung nhiều nội dung rất mới, rất cơ bản của GDĐH như: Thành lập trường, chất lượng GD, phân tầng GDĐH, tự chủ ĐH, kiểm định chất lượng GD, quản lý GDĐH, vấn đề lợi nhuận, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, quản lý Nhà nước… vì vậy phần lớn ý kiến đại biểu Quốc hội lần này đã tỏ ra hài lòng về sự bổ sung kịp thời những nội dung mới và cơ bản trong dự luật so với những bản dự thảo trước. Hy vọng rằng Quốc hội sẽ có sự nhất trí cao thông qua Dự thảo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH. 
Trong khi yêu cầu soạn thảo luật phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý để có “sân chơi” bình đẳng, không thiên vị thì tại một số hội thảo về Luật GDĐH đã có những ý kiến chuyên gia phản đối, thậm chí khá gay gắt về việc đưa ĐH quốc gia vào Dự thảo Luật GDĐH như một sự ưu tiên, ưu đãi đặc biệt theo tư duy hành chính bao cấp. Nội dung dự luật tiếp cận vấn đề này thế nào?
– Về mô hình tổ chức thì ĐH quốc gia có sự khác biệt nhất định với các cơ sở GDĐH nói chung. Không ít nước trên thế giới đã tổ chức ĐH quốc gia là mô hình có nhiều trường thành viên, đào tạo nhân lực cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm về mô hình này, chính vì vậy dự luật trước đây thiết kế một mục riêng với nhiều điều thì đến nay dự luật trình Quốc hội chỉ còn duy nhất một điều, chủ yếu là ghi nhận mô hình của hai ĐH quốc gia đang có trong thực tế.
Luật GD 2005 quy định ĐH, trường ĐH và học viện được gọi chung là trường ĐH. ĐH hay ĐH quốc gia thì cũng là cơ sở GDĐH, là nhà trường, là trường ĐH. Các quy định trong dự luật được thiết kế chung cho các cơ sở GDĐH một cách bình đẳng, trong đó có ĐH quốc gia, đều thực hiện mục tiêu GDĐH, có nhiệm vụ như nhau trong đào tạo các trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, có yêu cầu như nhau đối với đội ngũ và tiêu chuẩn nhà giáo, cán bộ quản lý GD, về nghiên cứu khoa học, giáo trình giảng dạy, kiểm định chất lượng…
Không ít người lo lắng về việc giao quyền tự chủ một cách tùy tiện sẽ dẫn tới phân tán, rời rạc, thậm chí hỗn loạn trong quản lý GDĐH. Nếu luật này được Quốc hội thông qua thì cơ sở GDĐH sẽ được giao quyền tự chủ như thế nào?
– Trong Dự thảo luật mới nhất trình Quốc hội không hề có “giao” quyền tự chủ mà chỉ có “thực hiện quyền tự chủ” bởi vì không thể có quan hệ xin – cho, ban phát trong thực hiện quyền tự chủ. Không thể là “giao” quyền tự chủ vì đó là quyền tự có của cơ sở GDĐH, gắn liền với trường ĐH, mang tính khách quan, chỉ phụ thuộc vào năng lực tự chủ và các điều kiện thực hiện quyền tự chủ. Một pháp nhân nói chung vốn đã có quyền tham gia các quan hệ xã hội, quyền ấy là đương nhiên, khách quan. Trường ĐH càng cần có quyền tự chủ cao đồng thời với yêu cầu cao về năng lực tự chủ, phải chịu trách nhiệm xã hội về các hoạt động thực hiện quyền tự chủ ấy. Dự thảo luật quy định cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động GD, về tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng GDĐH… Có thể nói cơ sở GDĐH được tự chủ trong toàn bộ hoạt động, từ xác định chỉ tiêu tuyển sinh đến tổ chức tuyển sinh, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, tổ chức giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học, đánh giá quá trình đào tạo và bảo đảm chất lượng, tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp, cấp phát văn bằng chứng chỉ… Tuy nhiên cơ sở GD phải có trách nhiệm trực tiếp giải trình về những vấn đề phát sinh và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội về toàn bộ hoạt động của mình. Nếu cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, thì tùy thuộc mức độ, bị đình chỉ hoạt động hoặc giải thể nhà trường. Cơ quan quản lý Nhà nước về GD không “bao sân” làm thay công việc của cơ sở giáo dục mà tập trung làn nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)