Tại TP.HCM, Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục ĐH nhằm chuẩn bị nội dung tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 13.
Theo đó, đa số đại biểu đều đồng tình với việc ban hành Luật Giáo dục ĐH là cần thiết, nhất là trong tình hình không ít trường ĐH, CĐ mới thành lập trong những năm gần đây chưa đủ điều kiện để phát triển đúng mức. Về chương trình đào tạo và giáo trình giáo dục ĐH, nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn giáo trình sử dụng chung để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức trong tất cả các cơ sở giáo dục ĐH là không cần thiết.
Theo GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hoá học TP.HCM, mỗi trường có sắc thái đào tạo đặc thù riêng, vì vậy Bộ GD&ĐT chỉ nên ban hành khung chi tiết của từng môn học, đồng thời giao quyền cho trường ĐH điều hành biên soạn giáo trình phục vụ cho các trường ĐH liên quan.
Giao quyền tự chủ cho các trường để các trường tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự chủ trong tuyển sinh vẫn là ý kiến được nhiều lãnh đạo trường ĐH cũng như chuyên gia giáo dục đề cập đến trong nhiều đợt góp ý này.
Theo TS. Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM, trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH, các cơ sở giáo dục vẫn chưa được tự chủ trong hoạt động so với nhiệm vụ được giao, tức là quyền hạn chưa tương xứng với trách nhiệm. Điểm này là một trong những nguyên nhân không thay đổi căn bản về quản lý giáo dục ĐH.
Nhìn thẳng vấn đề hơn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM kiến nghị sớm có một văn bản của Thủ tướng Chính phủ cụ thể hoá việc tự chủ cho các trường ĐH. Tự chủ trong tuyển sinh, tự chủ trong tài chính, lúc ấy các trường công cũng không thể nâng mức học phí quá cao như Bộ GD&ĐT lo ngại, bởi lúc ấy còn có vai trò của hội đồng trường cân nhắc mức học phí hợp lý. Nhiều trường cũng đề nghị các trường được tự chủ trong đào tạo và chương trình đào tạo, tự chủ trong việc cấp văn bằng…
Theo Thùy Linh
(VHO)
Bình luận (0)