Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH: Tự chủ ĐH vẫn là cánh cửa hẹp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Khi Luật Giáo dục ĐH được thực thi thì phương thức “ba chung” trong tuyển sinh sẽ được bỏ dần theo lộ trình.
Ngày 26-10, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo giới thiệu dự thảo Luật Giáo dục (GD) ĐH lần thứ năm. Được coi là dự thảo luật “cởi trói” cho các cơ sở GD ĐH, với nhiều quy định xác lập quyền tự chủ của các cơ sở GD ĐH nhưng đến nay vẫn còn quá nhiều ý kiến thắc mắc về sự thiếu rõ ràng của các quy định trong dự thảo luật về tự chủ ĐH.
Sáu lĩnh vực mà các trường ĐH được tự chủ đã được dự thảo Luật GD ĐH đề cập trong Điều 28, cụ thể: “Cơ sở GD ĐH được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về: Tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng GD ĐH”.
Sáu lĩnh vực trên gần như đã bao quát gần hết các lĩnh vực hoạt động của một cơ sở GD ĐH. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định tự chủ phải theo “lộ trình” và “có điều kiện”.

Năng lực quản lý thực tế của từng trường là một trong những thông số quan trọng để quyết định mức độ tự chủ. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM trong giờ thực tập môn vi tính. Ảnh: HTD
Có thể thấy biểu hiện “bình cũ rượu mới” ngay trong quy định về tự chủ tuyển sinh. Điều 30 của dự thảo Luật GD ĐH quy định: “… Cơ sở GD ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga lại trả lời trong buổi họp báo: “Không nên hiểu rằng luật này được thực thi thì sẽ bỏ luôn “ba chung” vì sẽ phải có lộ trình, có bước đi. Việc trường nào được tự chủ, tự chủ đến mức độ nào còn phụ thuộc vào năng lực quản lý thực tế của từng trường điều này thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là một trong những thông số quan trọng để quyết định mức độ tự chủ của từng trường; là động lực thúc đẩy các trường năng động, nâng cao chất lượng và cạnh tranh lành mạnh.Đồng thời, nếu cơ sở GD không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm trong các hoạt động theo các quyền đã giao sẽ bị thu hồi”.
Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH, cũng cho biết: “Thực hiện quyền tự chủ của các trường còn phụ thuộc vào việc trường có đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ không. Điều kiện đã được nêu rõ trong Điều 28, đó là: Vị trí, vai trò, nhiệm vụ của trường; năng lực thực hiện quyền tự chủ; cam kết trách nhiệm khi thực hiện quyền tự chủ; kết quả kiểm định chất lượng GD ĐH”. Mặt khác, dự thảo Luật GD ĐH cũng nêu rõ chính Bộ GD&ĐT lại là cơ quan chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể “điều kiện” và “mức độ” tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH. Điều này khiến nhiều ý kiến từ các cơ quan báo chí lo ngại về việc cơ chế “xin-cho” trong quản lý GD ĐH vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí còn có cơ hội phát triển khi Luật GD ĐH được ban hành.
Thiếu những quy định cụ thể về kiểm định chất lượng

Dự thảo luật không có điều nào quy định về chu kỳ kiểm định chất lượng của cơ sở GD ĐH, các trường hợp bắt buộc phải kiểm định chất lượng, việc cơ quan nhà nước tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo, xử lý cơ sở GD ĐH sau nhiều lần kiểm định không đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo… Thiếu những quy định trên, kiểm định chất lượng không đóng được vai trò công cụ quản lý chất lượng (…). Việc thiếu những quy định về kiểm định chất lượng sẽ dẫn tới tình trạng sa sút nghiêm trọng về chất lượng GD ĐH.
Ông NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH (phát biểu tại hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng Luật GD ĐH của Việt Nam”, do ĐH Luật Hà Nội tổ chức tháng 9-2011)
Theo BẢO PHƯỢNG
(PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)