Sự kiện giáo dụcTin tức

Dự thảo Nghị định quy định về học phí từ 2010-2015: Không để học sinh nghèo bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

 

Học sinh vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL đến trường

Chính phủ vừa ban hành Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Theo nghị định này, mức học phí đối với bậc ĐH, CĐ, TCCN, phổ thông không thay đổi so với đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính mà Bộ GD-ĐT đã trình Quốc hội trước đó. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là đã có cách tính học phí tín chỉ một cách cụ thể.
Không còn “cãi nhau” về học phí tín chỉ
Tại bản dự thảo, khung học phí đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được chia thành 6 nhóm ngành. Mức học phí được nâng dần qua các năm từ năm học 2010 đến 2015. Thấp nhất là nhóm ngành KHXH-NV và nhóm ngành nông lâm ngư từ 290.000đ/tháng/sinh viên năm 2010 lên 550.000đ/tháng/sinh viên vào năm 2014. Nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, thể dục thể thao từ 310.000đ/sinh viên/tháng vào năm 2010 lên 650.000đ/tháng/sinh viên vào 2014. Còn khối ngành y dược, tăng từ 340.000đ/tháng/sinh viên lên 800.000đ/tháng/sinh viên. Như vậy, nếu được thực thi, từ năm học tới, học phí giữa các nhóm ngành trong các trường ĐH công lập không còn “bình đẳng” như hiện nay. Sinh viên sư phạm vẫn được miễn học phí. Còn đối với các trường ngoài công lập, các trường vẫn được quyền quyết định học phí nhưng phải thực hiện cơ chế công khai theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tương tự, khung học phí đối với 8 nhóm ngành đào tạo của trung cấp nghề được quy định mức thu cao nhất 700.000 đồng/tháng (khối thăm dò địa chất, thủy văn, khí tượng); thấp nhất là 200.000 đồng/tháng (khối kỹ thuật điện tử, bưu chính viễn thông).
Trong dự thảo cũng nêu rõ cách tính học phí tín chỉ đối với các trường. Theo đó, mức thu học phí của một tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó theo công thức dưới đây: học phí tín chỉ = tổng học phí toàn khóa/tổng số tín chỉ toàn khóa. Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 SV/1 tháng x 10 tháng x số năm học.
Học phí phổ thông: Căn cứ thu nhập hộ gia đình
Khung học phí trong toàn quốc ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập theo chương trình chất lượng đại trà từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 được phân theo 3 vùng: Thành phố, thị xã có mức thu cao nhất. Kế đến là vùng nông thôn, đồng bằng, trung du. Sau cùng là vùng nông thôn miền núi thấp. Theo đó, ở bậc mầm non khu vực thành phố, thị xã từ 110.000đ – 160.000đ/tháng/học sinh, THCS từ 30.000 – 50.000đ/tháng/học sinh và THPT từ 50.000 – 75.000đ/tháng/học sinh. Ở vùng nông thôn miền núi thì mức học phí thấp hơn rất nhiều. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định trên cơ sở đề nghị của ủy ban nhân dân cùng cấp.
Không để học sinh nghèo bỏ học
Song song với khung học phí mới, dự thảo cũng đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ học sinh, sinh viên. Ngoài quy định về miễn giảm học phí, còn có chính sách hỗ trợ đi kèm như: Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành: nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành nặng nhọc, độc hại. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Nhà nước cũng thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục trong các trường hợp đột xuất: nếu xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai.
Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH gặp khó khăn đột xuất về kinh tế (do thiên tai, tai nạn…), tạm thời không có điều kiện nộp học phí thì có thể đề nghị thủ trưởng cơ sở giáo dục xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định. Với những trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp để mua sách, vở dụng cụ học tập, quần áo, giày dép…
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)