Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015: Nhiều vấn đề vẫn chưa rõ

Tạp Chí Giáo Dục

Việc lùi thời gian thi 1 tháng sẽ gây khó khăn cho nhà trường và GV. Ảnh: Anh Khôi

Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi quốc gia với hai mục đích tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 đã quy định rất chi tiết, cụ thể những đổi mới; tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Dưới đây là ý kiến của lãnh đạo nhà trường và giáo viên (GV) nhận xét về vấn đề này.
 
Thầy Nguyễn Bá Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng):
Chưa có sự chuẩn bị cho cách chấm điểm mới
Theo tôi, dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 có nhiều điểm thuận lợi cho thí sinh. Cụ thể như thời gian thi lùi lại thì các em có nhiều hơn thời gian để ôn tập. Tập trung hai kết quả trong một kỳ thi sẽ giảm được chi phí cho phụ huynh, thuận tiện cho các em trong việc đi lại dự thi… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được cụ thể hóa. Đó là về thời gian thi lùi lại, đối với học sinh (HS) đồng bằng, thành phố có thể sẽ dễ dàng, nhưng ở miền núi, việc làm thế nào để có thể tiếp tục quản lý, giữ chân các em tới lớp đều đặn, ôn tập cho các em kể từ sau ngày bế giảng (22-5) đến đầu tháng 7 thì đó là một khoảng thời gian tương đối dài và khó khăn cho GV cũng như ban giám hiệu nhà trường.
Một điểm khó khăn nữa là thang điểm 20 chưa được cụ thể hóa trong suốt năm học. Vì vậy, cả HS lẫn GV, thậm chí là cả ban giám hiệu rất bị động. Chưa hề có một sự chuẩn bị nào nên rất khó định hướng, tổ chức ôn tập, làm bài kiểm tra, cách chấm theo thang điểm mới. Lẽ ra, để thực hiện đổi mới, ngay từ đầu năm học phải có quy định về cấu trúc đề, thang điểm để HS làm quen. Bên cạnh đó, cách tính điểm ở đây cũng sẽ làm giảm giá trị điểm khuyến khích xuống còn 1/2. Trước đây, tổng điểm 4 môn cộng với điểm khuyến khích thì nay cũng con số này lại chia cho 8. Đó là lí do điểm khuyến khích bị giảm giá trị.
Một khó khăn khác đó là thí sinh sẽ được nhận 4 giấy chứng nhận kết quả và lần lượt đăng kí nguyện vọng. Như vậy không chỉ thí sinh mà thậm chỉ cả các trường ĐH cũng bị động trong việc tuyển sinh. Bởi việc chờ đợi kết quả từng nguyện vọng cũng mất rất nhiều thời gian và tâm lí thí sinh rất lo lắng khi chờ đợi. Đó là chưa kể, khi lỡ nộp nguyện vọng nào đó mà muốn thay đổi lại phải làm đơn xin rút và… lại chờ đợi: Chờ được rút lại kết quả và chờ ban tuyển sinh trường đó xóa kết quả trên hệ thống mới có thể đăng kí lại nguyện vọng khác…
 
Thầy Đặng Bảo Hòa (GVmôn toán Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ):
Lợi cho HS, khó cho GV
Với thang điểm 20 thì việc chấm bài sẽ rải ra từng chi tiết trong đáp án. Điều này lợi cho HS vì những kiến thức rất nhỏ của các em cũng sẽ được tính điểm nhưng khiến GV rất mệt mỏi khi chấm bài. Thang điểm này chỉ phù hợp các môn khoa học tự nhiên, còn với các môn khoa học xã hội có lẽ không thích hợp.
Chủ trương tổ chức thi vào tháng 7-2015, tôi cho rằng có lẽ ý muốn của Bộ GD-ĐT là dành 1 tháng cho HS tự ôn tập. Bởi không thể tổ chức ôn tập ở trường vì không còn trong niên chế năm học. Còn nếu Bộ GD-ĐT quy định nhà trường chịu trách nhiệm ôn tập thì rất khó cho GV, bởi ở Cần Thơ, nhiều năm nay, được sự đồng ý của Sở GD-ĐT, HS khối 12 nhập học từ tháng 8 để các trường ôn tập kiến thức cũ, đồng thời thực hiện giảng dạy để tháng 5 là kết thúc chương trình lớp 12, sau đó nhà trường dành 1 tháng để ôn luyện giúp các em chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do vậy nếu kéo dài thêm 1 tháng ôn tập, GV dạy khối 12 sẽ không có thời gian nghỉ hè. Xin được nói thêm: Với những trường bình thường, đặc biệt những trường ở khu vực ngoại thành, vùng sâu, tôi e rằng đa số HS chưa đủ trình độ và năng lực để có thể tự ôn tập và tự học các kiến thức nâng cao, nếu không có sự hướng dẫn của người thầy.
 
Thầy Võ Trang Hoàng Tuấn (GV môn lý Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ):
Kéo dài thời gian ảnh hưởng chế độ của GV
Trong những điểm mới của dự thảo quy chế, theo tôi, Bộ GD-ĐT không nên sử dụng thang điểm 20 vì khiến HS hoang mang do biểu điểm chia quá nhỏ, các em chưa biết cần làm bài như thế nào để đạt điểm cao, đủ yêu cầu trúng tuyển ĐH, CĐ. Còn với GV chấm bài thì vất vả do phải chia rất nhỏ thang điểm, trong khi nếu chấm theo thang điểm 10 thì giá trị cũng tương đương thang điểm 20.
Với việc tổ chức kỳ thi vào tháng 7-2015, tôi chưa hiểu ý của Bộ GD-ĐT? Vì hàng năm, niên chế năm học chấm dứt vào tháng 6. Nếu thầy cô giáo phải ôn thi cho HS thêm 1 tháng thì chế độ 3 tháng nghỉ hè của GV sẽ tính như thế nào? Rồi còn thù lao cho những tiết ôn tập này nữa? Vì đây là thời điểm dạy ngoài niên chế năm học, hay còn gọi là dạy ngoài giờ. Nếu thu tiền HS thì nhà trường mang tiếng, còn không thu thì tiền phụ đạo này tính ra sao? Đặc biệt, đây là ôn tập nhưng mang tính chất phụ đạo, bồi dưỡng với kiến thức nâng cao, GV phải đầu tư rất nhiều để giúp HS trúng tuyển vào ĐH, CĐ… Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không lẽ để HS tự ôn tập 1 tháng trước khi bước vào kỳ thi?

Bình luận (0)